Alexandre de Rhodes là người nước nào?

Một thời gian dài, Alexandre de Rhodes được cho là người Pháp và đã khai sinh chữ Quốc ngữ, điều này cũng được khẳng định nhiều lần trong một số tài liệu Việt Nam.

Alexandre de Rhodes là người Pháp, điều này đã được khẳng định trong Việt Nam Văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (in lần thứ 10, năm 1968) và trong bản dịch kèm lời nhận xét của Phạm Quỳnh về quyển Histore moderne du pays d’Annam (1592 – 1820) của Charles B. Maybon.

Những từ điển có uy tín như Larousse (Pháp) hay Bách khoa thư Britannica (Anh) cũng đều khẳng định như thế. Trong mục từ Alexandre de Rhodes, Larousse cho biết ông là nhà truyền giáo Dòng Tên người Pháp (Missionnaire Jésuite Français), còn Britannica gọi đích danh ông là nhà truyền giáo người Pháp (French missionary)…

Với những tài liệu như vậy, xem ra rõ ràng Alexandre de Rhodes là người Pháp. Tuy nhiên, qua nhiều tư liệu nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra Alexandre de Rhodes không phải là người Pháp, cho dù có thời thực dân Pháp đã hô hào về điều này để làm tăng uy thế của nước Pháp.

Alexandre de Rhodes là người gốc Do Thái?

Alexandre de Rhodes sinh ngày 15.3.1591 tại Avignon thuộc Lãnh địa Giáo hoàng (nay ở miền nam nước Pháp), ông là người của Tòa thánh Roma, gốc Do Thái. Nếu là người Pháp, tại sao quyển Từ điển Annam – Bồ – Latin của ông biên soạn tại Áo Môn (Macau ngày nay) và Đàng Trong lại không có dấu ấn rõ nét của tiếng Pháp, thay vào đó ông lại biên soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha và Latin?

Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên và duy nhất tạo ra chữ Quốc ngữ. Công lao này do nhiều người góp sức, trong đó, đáng chú ý là công trình của hai vị linh mục Bồ Đào Nha: Gaspar d’Amaral với quyển Diccionario anamita-portugues-latin (Từ điển Annam – Bồ – Latin) và Antonio Barbosa với quyển Diccionario Portugues-Anamita (Từ điển Bồ – Annam). Đây là hai tài liệu chính, ra đời trước, giúp Alexandre de Rhodes biên soạn Từ điển Annam – Bồ – Latin. Ngoài ra, trong thời kỳ tiếng Việt phôi thai còn có sự đóng góp của những nhà truyền đạo Dòng Tên khác đến từ châu Âu.

Bản đồ Đàng Ngoài và Đàng Trong theo Alexandre de Rhodes

Nhưng chữ Quốc ngữ được hình thành từ loại chữ gì? Trong quyển L’origine Des Particularités de L’alphabet Vietnamien (1949), André-Georges Haudricourt cho rằng chữ Quốc ngữ hình thành từ những ký tự Latin, dựa trên các bảng chữ cái của nhóm ngôn ngữ Roman; còn trong quyển Portuguese pioneers of Vietnamese linguistics prior to 1650 (Orchid Press – 2002), Roland Jacques lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bảng chữ cái Bồ Đào Nha trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ. Dĩ nhiên, chúng ta không bỏ qua yếu tố các dấu phụ chủ yếu từ bảng chữ cái Hy Lạp xuất hiện trong chữ Quốc ngữ.
Từ thế kỷ 17 đến nay, tiếng Việt cho thấy có nhiều sự biến đổi. Trong thời kỳ đầu tiếng Việt được ghi âm bằng những từ mà ngày nay chúng ta khó đoán ra nếu không có chú thích: Chiam (chăng), Chiuua (Chúa), dà (đã), đau (đạo), đoij (đói), gnoo (nhỏ), sayc kim (sách kinh), ungue (ông nghè), unsai (ông sãi)… Dần dà về sau càng dễ hiểu hơn: Đạy (đại); jà (già); jường (giường); hién (hiến)…
Cuối cùng, tiếng Việt đã trải qua một chặng đường dài mới được như ngày nay. Từng bước, tiếng Việt dần trở thành một ngôn ngữ giàu hình ảnh, có mức biểu cảm cao, đủ sức diễn tả mọi khía cạnh trong tư duy, tình cảm của người Việt.
Xung quanh nhân vật quá nổi tiếng như Alexandre de Rhodes, chúng tôi mong có những phát hiện mới bổ sung từ phía độc giả và những nhà nghiên cứu khác để có góc nhìn đầy đủ hơn về cuộc đời và nhân thân ông.

Vương Trung Hiếu

* Hình bìa: Đường Alexandre de Rhodes ở TP.HCM

Recommended For You