Ngày nay, việc đi ăn nhà hàng và đãi tiệc đã trở thành thói quen và sở thích của nhiều người, đặc biệt tại các thành phố lớn. Thời gian dự tiệc chủ yếu vào buổi tối. Thực đơn đa phần là các món giàu đạm, giàu béo, và thường kèm theo bia, rượu, nước ngọt nên năng lượng từ bữa tiệc có thể cao gấp nhiều lần so với nhu cầu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Nhằm khảo sát tổng năng lượng, tính cân đối các chất đạm, béo, bột đường và hàm lượng natri trong các thực đơn này, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đã tiến hành phân tích thành phần dinh dưỡng một số thực đơn tiệc thông dụng tại các nhà hàng ở nội thành TP.HCM.
Kết quả phân tích 24 thực đơn tiệc gồm 147 món ăn: năng lượng trung bình/thực đơn tiệc: 1.050 -1.500 kcal/người/bữa, nếu tính thêm 140 kcal từ một lon bia hay nước ngọt thì năng lượng một bữa tiệc chiếm khoảng 50 – 60% nhu cầu năng lượng cả ngày (2.500 kcal/ngày).
Điều đáng nói là các bữa tiệc thường được tổ chức vào buổi tối – lúc cần ít năng lượng nhất trong ngày, có thể làm tăng tích tụ năng lượng thừa dẫn đến ứ đọng mỡ.
Theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng – Bộ y tế 2007, đối với người trưởng thành, năng lượng cung cấp từ chất đạm nên từ 12 – 14%, trong khi trung bình một bữa tiệc lượng chất đạm chiếm đến 23 – 26%. Ăn nhiều chất đạm có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 thông qua cơ chế kích thích tăng insulin ở tuyến tụy (do tăng quá trình tân sinh đường từ các acid amin) và hậu quả là tăng đề kháng insulin. Thêm vào đó, chế độ ăn nhiều chất đạm còn làm tăng thải calci qua đường niệu, là nguyên nhân gây loãng xương, đặc biệt trong trường hợp tỷ lệ calci: phosphor mất cân đối.
Theo nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam, năng lượng cung cấp từ chất béo nên dưới 25%. Tuy nhiên, kết quả của khảo sát này cho thấy năng lượng cung cấp từ chất béo trong bữa tiệc chiếm đến 38 – 44%. Việc ăn uống dư thừa chất béo làm tăng triglycerid máu, tăng cholesterol toàn phần và cholesterol tỷ trọng thấp LDL – cholesterol, là những tác nhân làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, bệnh mạch vành.
Nghiên cứu cũng cho thấy, không chỉ các bữa ăn tiệc tại nhà hàng mà cả những bữa tiệc chuẩn bị tại nhà theo hướng dẫn của giảng viên hay chế biến theo sách dạy nấu ăn cũng đều mất cân đối về thành phần dinh dưỡng và chưa hợp lý về năng lượng.
Tóm lại: Năng lượng trung bình của bàn tiệc cao hơn so với nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam, năng lượng cung cấp từ đạm, béo, đường là 24:39:36, không cân đối, quá dư thừa đạm, thừa béo. Lượng natri trung bình của thực đơn là 400 mg/người/bữa, chiếm tới 80% nhu cầu hàng ngày. Do vậy, việc ăn tiệc thường xuyên có thể gây những bất lợi cho sức khỏe.
Từ kết quả nghiên cứu này là cơ sở giúp người dân chọn lựa và sử dụng các món ăn hợp lý khi dự tiệc nhằm bảo vệ và hạn chế sự gia tăng các bệnh mãn tính không lây liên quan tới dinh dưỡng. Qua đó các nhà hàng cần điều chỉnh dần công thức chế biến và cung cấp các thực đơn hợp lý, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.