Trong ký ức của nhiều người, Trung thu là một trò chơi của tuổi thơ đúng nghĩa. Ánh trăng tròn, tiếng trống xập xình, đoàn múa lân diễu hành, rồi cả vài múi bưởi, đôi ba chiếc bánh dẻo. Với nhiều người, Trung thu của ngày xưa ấy, đẹp và chẳng bao giờ bị thay thế.
Trung thu xưa rộn ràng
Gần trung thu, tiếng trống “tùng tùng tùng tùng cắc tùng tùng tùng tùng…” lại len lỏi khắp ngõ xóm. Đấy là thứ âm thanh sâu đậm nhất của tuổi thơ, báo hiệu rộn rã khiến bất kỳ đứa trẻ nào cũng háo hức. Ngày xưa, bố mẹ chẳng dám cho con cái hùa theo đám bạn đi rước đèn. Nhưng cứ hễ tiếng trống từ xa tiến tới gần, chẳng bố mẹ nào kìm hãm nổi đứa trẻ lúc ấy cả.
Chúng dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Trời nhá nhem tối nhưng có ánh trăng chẳng đứa nào sợ, cũng chẳng đứa nào muốn về nhà. Chúng sợ mất vui, mất kỷ niệm và sợ mất cả tuổi thơ, trung thu ngày đó giản đơn nhưng đủ đầy. Đứa nào sang thì được cái đèn ông sao, đèn cù; còn không thì chỉ có chiếc hộp xà phòng thắp nến bên trong. Có đứa ước ao chứ, giá như được một lần lên tới cung trăng thăm chị Hằng, chú Cuội. Cả đám nghe thế lại cười hì hì.
Nghe tiếng trống lân là lại thổn thức, cả bầu trời tuổi thơ bỗng chốc như ùa về. Trung thu nay khác xưa nhiều lắm. Những thứ đồ chơi phát nhạc, đèn sáng đủ màu sắc. Có điều mới mẻ, lạ lẫm. Cuộc sống vốn hối hả khiến chúng ta đôi lúc quên đi hình ảnh của ngày xưa. Cái thời mà, cảm giác hồi hộp đợi mẹ mua một chiếc đèn ông sao, chiếc mặt nạ giấy bồi, hay một món đồ chơi nhỏ… vẫn còn là những ký ức không thể quên.
Tết trung thu của người Hà Nội
Với nhiều gia đình Hà Nội gốc, những dịp lễ, tết cổ truyền là những ngày rất đặc biệt, có cách bày biện, thưởng thức riêng, phép tắc được gìn giữ cả trăm năm. Mâm cỗ trung thu Hà Nội cổ truyền, trước là biện lễ cúng gia tiên, sau rồi mới cho trẻ con phá cỗ nên các cụ chuẩn bị rất kỳ công.
Mâm cỗ trung thu truyền thống không chỉ có các thức quà mùa thu để thưởng thức mà còn có hương hoa, vị trà để thỏa mãn khứu giác, có cả những món đồ chơi đầy ý nghĩa cho lũ trẻ để hồn cốt văn hóa truyền thống ngấm vào những thế hệ tiếp sau như những mạch nguồn còn mãi. Bởi họ yêu quý lắm những lệ xưa nếp cũ cha ông truyền lại nên dù bận rộn đến đâu họ cũng để dành cho tâm hồn mình, gia đình mình những góc riêng. Tình yêu ấy tự nhiên như hơi thở, cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, bằng lối sống hằng ngày, bằng nề nếp, văn hóa gia tộc, nên họ chấp nhận “bảo thủ” một chút để truyền lại những lề thói đẹp cho con cháu.
“Theo mình, để cho con hứng thú với những mùa trung thu và ngày hội cổ truyền, chính bố mẹ phải truyền lại và nuôi dưỡng tình yêu đó nơi con, như tuổi thơ mình từng được trải nghiệm. Việc giữ gìn truyền thống, những tinh hoa trong tinh thần của dân tộc, mà trung thu là một phần trong đó, quan trọng lắm. Phố xá có thể thay đổi chứ hồn cốt, phong vị thì không đâu nếu người lớn chú tâm. Giờ đồ chơi nhiều thứ hiện đại quá, sẵn mua quá nên trẻ con ít đứa được ngồi nhìn bố làm đồ chơi cho con với vẻ háo hức, ngưỡng mộ. Người lớn bận rộn nên ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến không khí đón trung thu của con trẻ” – ca sĩ Thiều Bảo Trâm tâm sự.
Dù cô không sinh ra ở Hà Nội, nhưng gần 20 năm gắn bó với văn hóa, nét duyên của những mùa lễ tết, cũng yêu truyền thống theo một cách rất sâu. Trâm bảo, trong thời đại hiện nay, Việt Nam hòa nhập với thế giới, du nhập nhiều những lễ hội của nước ngoài nên việc lũ trẻ có được háo hức như thời xưa là rất khó, dẫu vậy cô cũng như gia đình luôn cố gắng để tạo ra những ngày lễ trọn vẹn cho các thế hệ tiếp sau.
Mâm cỗ truyền thống có những gì?
Mâm cỗ trung thu truyền thống của người Hà Nội, tuyệt nhiên không phải kiểu mâm cao cỗ đầy, thích gì mua nấy để bày ú ụ chứa chan, mà tinh tế ở chỗ chỉ cần ít thôi, mỗi thứ một chút, nhưng mùa nào thức nấy, món nào cũng mang hương vị mùa thu. Riêng hoa quả cũng cần đến thập loại mới đủ lệ bộ. Những quả được lựa chọn đều là tinh túy của mùa với những đặc điểm được truyền miệng bao đời như bưởi phải rám vỏ, chuối phải trứng cuốc vỏ đốm màu, mỏng dính mà vẫn chắc quả, đưa ngang mũi thấy tỏa hương ngọt lịm. Rồi nào thị, nào lựu đỏ… nhưng quan trọng nhất mà không thể thiếu là hai loại hồng đỏ và hồng xanh (hồng ngâm).
Tết trung thu sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vắng bánh nướng, bánh dẻo – loại bánh được xem là đại diện cho trung thu. Giữa muôn trùng loại bánh hiện đại, nhiều người vẫn chọn bánh thập cẩm đóng khuôn vuông, khuôn tròn đúng phong vị xưa. Tất nhiên chiếc bánh nướng cá chép và vài giỏ heo xinh xinh vừa để bày cho đẹp, vừa để lũ trẻ trong nhà có thêm niềm vui trước giờ phá cỗ chính thức cũng được các bà mẹ lựa chọn.
Trên chiếu hoa một mâm hồng, cốm lựu đỏ e ấp bên nhau như bảng màu tuyệt sắc. Rồi mùi thơm từ bánh, từ mấy loại bông nhài, móng rồng mới hái trong vườn nhà khẽ khàng đưa hương khiến ai nấy đều cảm thấy một niềm vui, nhỏ bé nhưng đầy thi vị. Khi mâm cỗ đã xong, nhiều gia đình mới bày đủ đầy đèn ông sao, nào trống bỏi, trống con truyền thống.