“Lão gàn” giữ gốc xoài thơm

      Ông Nguyễn Phước Hồng, nay đã ngoài 60 tuổi, ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, An Giang, được nhiều người biết đến nhờ “chung thủy” với loại xoài trứ danh tồn tại hơn một thế kỷ qua – xoài thơm Vĩnh Hòa.

      Ở hoài với giống xoài… “khó ở”

      Lần theo chỉ dẫn của một người quen, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Phước Hồng, một căn nhà gỗ đơn sơ như bao căn nhà khác ở vùng cồn bãi Tân Châu. Chỉ khác là phía sau nhà có cả một “gia tài đồ sộ”, một vườn xoài thơm với diện tích gần 4.000 m2.

      Lời đồn quả không sai, ông Hồng chính là người còn giữ nhiều nhất số gốc xoài thơm của toàn tỉnh An Giang, là “lão gàn” gắn kết thủy chung với giống xoài “khó ở”.

      Trò chuyện với tôi, ông Hồng tự hào khẳng định đây là giống xoài đã tồn tại trên vùng đất Vĩnh Hòa hơn trăm năm qua.

      Ngày trước, xoài này còn có tên gọi khác là xoài lèo, chủ yếu phân bố ở những vùng đất cồn ấp Vĩnh Bường, Vĩnh An.

      Hiện xoài thơm Vĩnh Hòa được gắn liền ba chữ “đệ nhất xoài” bởi hương thơm, vị ngọt thanh mà không loại xoài nào có thể sánh được…

      Tuy nhiên, giống xoài thơm Vĩnh Hòa đang ngày càng hiếm hoi, do quá trình sạt lở đất ven sông Tiền, cuốn đi nhiều gốc xoài và những biến động của thị trường xoài cũng dần làm giống xoài quý ngày càng mai một, mất gốc.

      Ông Hồng chia sẻ, toàn bộ diện tích đất của gia đình đều dùng để trồng giống xoài “khó ở” này.

      Nói “khó ở” bởi lẽ, chỉ khi trồng ở vùng đất Vĩnh Hòa, xoài mới có vị thơm, ngọt.
       
      Những gốc xoài của ông Hồng thuộc diện quý nhất so với các vườn còn lại, nó được trồng từ cách đây từ 5 đến hơn 20 năm, đó là kết quả của những lần nhân giống bằng ươm hạt (giống đầu dòng).
       
      Có lẽ chỉ những ai trồng xoài thơm thì mới hiểu được độ “khó chiều” của loại xoài này.
       
      Do là giống chịu hạn nên xoài thơm dễ bị rụng khi gặp mưa kéo dài và có lượng mưa quá lớn.
       
      Ngoài ra, giống này rất lâu mới cho “ăn” trái (từ 6 – 8 năm).
       
      Chưa hết, mùa màng cũng rất khắt khe, mỗi năm xoài chỉ cho trái một mùa, bắt đầu từ tháng 3 âm lịch (có thể thu hoạch nghịch mùa nhưng chất lượng rất thấp).
       
      Thêm nữa, trồng xoài thơm rất khó kiểm soát sâu bệnh (vì thân, tán rất cao). 
       
      Chính vì sự “đỏng đảnh”, “khó ở” của giống xoài thơm này nên nhà vườn không bội thu như trồng các giống xoài khác.
       
      Thực tế, tỷ lệ đậu trái của xoài thơm không cao, xoài lại bị rụng nhiều nên mỗi vụ thu hoạch đều có sự biến động về năng suất.
       
      Do vậy, dù trồng trên diện tích 4.000 m2 với 100 gốc xoài nhưng có vụ ông Hồng đạt doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng, có vụ chỉ thu từ 800 – 900 triệu đồng, năng suất 1 vụ cao nhất khoảng 300 kg/cây. 
       
      Niềm an ủi lớn nhất của người trồng xoài thơm là giá cả luôn được giữ ở mức từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, cũng như rất được ưa chuộng trong Nam lẫn ngoài Bắc, nên chỉ cần nghe động tĩnh đến kỳ thu hoạch là xoài đã được mua sạch, ra chợ không có lấy một trái. 
       
       

      Lan tỏa hương xoài

      Dù trồng xoài nhiều vất vả, lợi nhuận cũng chẳng được bao nhiêu so với công chăm sóc, thế nhưng tâm huyết giữ gìn giống xoài thơm chưa lúc nào cạn, lẽ đó mà ông Hồng có những suy nghĩ rất sâu sắc:

      “Để giữ giống xoài này, nhiều lúc tôi cũng bị phiền vì lời ra tiếng vào. 

      Họ bảo tôi không hợp thời, thiếu nhạy bén nên cứ đeo mãi giống xoài khó tính này mà chưa chịu chuyển đổi trồng giống xoài cho hiệu quả kinh tế cao nên cuộc sống chẳng được khấm khá.

      Với tôi, gìn giữ nó là vì đã gắn bó lâu năm, huống gì từ đời ông, cha cũng đã trồng nên tôi không nỡ bỏ giống.

      Sau này, dù tôi có mãn phần thì cũng nhắn nhủ con cháu tiếp tục vun trồng, gìn giữ cho bằng được”. 

      Với chất lượng hơn hẳn nhiều giống xoài trên thị trường, xoài thơm Vĩnh Hòa đã được tỉnh An Giang đưa vào “danh mục” giống cần được bảo tồn, phát triển thành sản phẩm đặc sản, hướng tới xuất khẩu của tỉnh An Giang. Với ý chí này, địa phương đã triển khai dự án “Khôi phục và phát triển giống xoài thơm Vĩnh Hòa”.

      Cụ thể, tỉnh đã “nhân giống vô tính, hay còn gọi là ghép bo” thành công giống xoài thơm Vĩnh Hòa; đồng thời, công nhận 3 giống xoài đầu dòng có phẩm chất trái, năng suất cao và ổn định.

      Cùng với đó, tỉnh cũng có kế hoạch sản xuất giống trên diện rộng, chuyển giao quy trình canh tác cho nhiều hộ dân ở ấp Vĩnh An và Vĩnh Bường để nhân rộng mô hình. 

      Thu hoạch xoài thơm.

      Dự án này có sự tham gia tích cực của ông Nguyễn Phước Hồng (tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất xoài thơm Vĩnh Hòa) với vai trò nhà vườn điển hình làm cây đầu dòng để ghép bo, tạo giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng.

      Qua thời gian tham gia dự án, ông Hồng rút ra kinh nghiệm: “Việc ghép bo sẽ cho xoài bị dị dạng, không đạt chuẩn của một trái xoài thơm bình thường”.

      Kinh nghiệm của ông Hồng chỉ là bước đầu. Do đó, rất cần nhà chuyên môn, nhà khoa học đánh giá, khảo nghiệm để cho ra giống chuẩn, chất lượng, quy trình canh tác hiệu quả nhằm nâng tầm giá trị xoài thơm cho tỉnh An Giang.

      Bài và ảnh: PHAN CÚC

      Recommended For You