Một số bệnh do thiếu dinh dưỡng

Những kết quả nghiên cứu của khoa học dinh dưỡng đã chỉ ra trong thức ăn có chứa các thành phần dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể, đó là protein, lipid, các vitamin, chất khoáng và nước. Thiếu một trong các chất này có thể gây ra nhiều bệnh tật.
Đó có thể là bệnh scobut do thiếu vitamin C đã lấy đi sinh mạng 100 trong số 160 thủy thủ theo Vasco de Gama tìm đường sang phương Đông, viêm da pellagre hay gặp ở các vùng ăn toàn bắp do thiếu vitamin PP, bệnh tê phù do thiếu vitamin B1… Người ta gọi đó là các bệnh thiếu dinh dưỡng đặc hiệu, nghĩa là nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một thành phần dinh dưỡng nào đó.
 
Nhờ áp dụng kiến thức dinh dưỡng vào chăm sóc sức khỏe, nhiều loại bệnh đã được đẩy lùi về quá khứ. Tuy vậy ở các nước nghèo vẫn còn nổi trội các vấn đề sức khỏe do thiếu dinh dưỡng, bệnh thiếu dinh dưỡng quan trọng nhất hiện nay là thiếu protein năng lượng, thiếu vitamin A và bệnh khô mắt, thiếu máu dinh dưỡng, thiếu iod và bệnh bướu cổ. Các đặc điểm về tình trạng dinh dưỡng là những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe và phát triển của một cộng đồng.
 
Dinh dưỡng là một trong những nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến các dạng  rối loạn thường gặp.
 
Đói và các bệnh thiếu dinh dưỡng hiển nhiên là đặc điểm của các nước nghèo, nhưng liệu các nước đã “no”, dư thừa về thực phẩm thì vấn đề về dinh dưỡng có gì đáng quan tâm nữa không?
 
Các thống kê về dịch tễ học so sánh ở từng nước trong các thời kỳ khác nhau và so sánh các quần thể di cư từ vùng này sang vùng khác cho thấy, mô hình bệnh tật thay đổi theo lối sống và cách ăn uống.
 
Ở các nước giàu, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường tăng lên. Bệnh béo phì chiếm 20 – 40% số dân trưởng thành ở nhiều nước phát triển, là nguy cơ quan trọng của nhiều bệnh khác.

Như vậy cả thiếu ăn lẫn thừa ăn (thừa về số lượng và thiếu về chất lượng) đều có thể gây bệnh. Một chế độ ăn cân đối, hợp lý là cần thiết cho con người sống lâu và khỏe mạnh.

Thiếu dinh dưỡng protein năng lượng

Thiếu dinh dưỡng protein năng lượng là loại thiếu dinh dưỡng quan trọng nhất ở trẻ em, với biểu hiện lâm sàng là tình trạng chậm lớn và hay đi kèm với các bệnh  nhiễm khuẩn. Vấn đề này thường xảy ra do:

– Chế độ ăn thiếu về số lượng và chất lượng.

– Tình trạng nhiễm khuẩn, đặc biệt là các bệnh đường ruột, sởi và viêm đường hô hấp cấp dẫn đến giảm ngon miệng và giảm hấp thu.

Suy dinh dưỡng thể còm Marasmus là thể thiếu dinh dưỡng nặng hay gặp nhất. Đó là hậu quả của chế độ ăn thiếu cả nhiệt lượng lẫn protein do cai sữa sớm hoặc ăn bổ sung không hợp lý. Tình trạng vệ sinh kém gây tiêu chảy, trẻ ăn càng kém và vòng lẩn quẩn bệnh lý  bắt đầu. Kwashiorkor ít gặp hơn Marasmus, thường là do chế độ ăn quá nghèo về protein nhưng carbohydrat tạm đủ (chế độ ăn chủ yếu dựa vào khoai sắn). Ngoài ra còn có thể phối hợp Marasmus – Kwashiorkor.

Suy dinh dưỡng bắt đầu từ biểu hiện chậm lớn cho đến các thể nặng là  Marasmus và Kwashiorkor. Trong hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, việc nhận biết các thể nhẹ và vừa có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Trong điều kiện thực hành, người ta chủ yếu dựa vào các chỉ tiêu nhân trắc (cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi, cân nặng theo chiều cao, vòng cánh tay) để phân loại tình trạng suy dinh dưỡng. Khi đo vòng cánh tay cần sờ nắn để đánh giá tình trạng lớp mỡ dưới da.

Ở cộng đồng, cách phân loại thông dụng nhất trước đây do Gomez F. đưa ra từ năm 1956, dựa vào cân nặng theo tuổi quy ra phần trăm của cân nặng chuẩn.

Thiếu dinh dưỡng độ 1 tương ứng 75 – 90% của cân nặng chuẩn.

Thiếu dinh dưỡng độ 2 tương ứng 60 – 75%. Cách phân loại của Gomez F. đơn giản nhưng không phân biệt được thiếu dinh dưỡng mới xảy ra hay đã lâu.

Để khắc phục nhược điểm đó, Waterlow J.C. đề nghị cách phân loại như sau: thiếu dinh dưỡng thể gầy còm (tức là hiện đang thiếu dinh dưỡng) biểu hiện bằng cân  nặng theo chiều cao, thấp so với chuẩn, thiếu dinh dưỡng thể còi cọc (tức là thiếu dinh dưỡng trường diễn) dựa vào chiều cao theo tuổi thấp so với chuẩn.

Theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới, các chỉ tiêu thường dùng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng là cân nặng theo tuổi và cân nặng theo chiều cao.

Tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng thấp (dưới 2.500 g) là chỉ tiêu có ý nghĩa về tình trạng dinh dưỡng của người mẹ, sự chăm sóc của người mẹ trong thời kỳ mang thai. Những trẻ sơ sinh có cân nặng thấp thường có nguy cơ tử vong cao, dễ bị bệnh và suy dinh dưỡng.

Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt

Các chỉ tiêu sau được Tổ chức y tế thế giới (1981) khuyến nghị sử dụng để nhận định sức khỏe cộng đồng khi thiếu vitamin A:

– Quáng gà (trẻ 24 – 71 tháng): trên 1%.

– Vệt bitot: trên 0,5%.

– Khô, loét, nhũn giác mạc: trên 0,01%.

– Sẹo giác mạc: trên 0,05%.

– Hàm lượng vitamin A trong huyết thanh dưới 10 mcg/ml: trên 5%.

Hầu hết các trường hợp khô nhuyễn giác mạc hoạt tính thấy ở nhóm tuổi từ 12 – 36 tháng. Nhóm tuổi 25 – 36 tháng mắc bệnh nhiều nhất với các biểu hiện lâm sàng nặng nhất. Thiếu vitamin A liên quan chặt chẽ với suy dinh dưỡng, các tổn thương hoạt tính ở mắt thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng nặng.

Thiếu máu dinh dưỡng

Thiếu máu dinh dưỡng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng ở Việt Nam, nhưng các số liệu về tỷ lệ mắc bệnh và các nhân tố nguy cơ vẫn chưa đầy đủ.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em 6 – 24 tháng và phụ nữ có thai.

Thiếu iod và bệnh bướu cổ

Khi thiếu iod trong khẩu phần, sự tạo thành hormon tyrosin bị giảm sút. Để bù trừ vào thiếu hụt đó, tuyến giáp trạng dưới sự kích thích của hormon tuyến yên phải sử dụng có hiệu quả hơn nguồn iod đang có và phì to dần.

Trong phần lớn trường hợp, sự phì to tuyến giáp trạng biểu hiện một cơ chế bù trừ nên chức phận của nó vẫn duy trì được bình thường. Tuy vậy nếu tình trạng thiếu iod quá trầm trọng thì có thể xuất hiện thiểu năng tuyến giáp.

Vấn đề nghiêm trọng nhất của thiếu iod là ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Nếu chế độ ăn thời kỳ có thai nghèo iod có thể ảnh hưởng đến năng lực trí tuệ của đứa trẻ sau này.

Để đánh giá tình trạng thiếu iod, người ta dựa vào hai chỉ số cơ bản theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới và Tổ chức phòng chống các rối loạn do thiếu iod là:

Tỷ lệ bướu cổ ở lứa tuổi học sinh 6 – 12 tuổi trên 5% theo các mức như sau:

– Thiếu nhẹ: từ 5 – 19,9%.

– Thiếu vừa: 20 – 29,9%.

lMức iod trong nước tiểu dưới 10 mcg/dl.

Nồng độ iod trong nước tiểu rất quan trọng, thể hiện lượng iod thải ra hàng ngày. Qua đó có thể đánh giá được cơ thể đủ, thiếu hay thừa iod theo các mức sau:

– Trên 10 mcg/dl: đủ iod.

– 5 – 9,9 mcg/dl: thiếu iod nhẹ.

– 2 – 4,9 mcg/dl: thiếu iod trung bình.

– Dưới 2 mcg/dl: thiếu iod nặng.

Các điều tra ở các nước cho thấy tỷ lệ mắc bệnh bướu cổ trung bình trong dân cư miền núi là 34,7%, mức iod trong nước tiểu thấp hơn 5 mcg/dl. Đặc biệt ở những vùng giao thông khó khăn, tỷ lệ bướu cổ lên tới 50 – 80%, tỷ lệ mắc bệnh đần độn 1 – 8%. Tình hình thiếu iod ở nước ta là khá phổ biến, vì vậy chương trình sử dụng muối iod đã được thực hiện từ tháng 1/1995.

Chất đạm (protein): nguồn cung cấp là thịt, cá, trứng, các loại đậu (đậu nành, đậu phộng)… Nó có chức năng giúp cơ thể phát triển tốt, cần thiết cho việc tái tạo các tế bào đã chết: mọc tóc, răng, sự lành vết thương… Nó còn góp phần tăng khả năng đề kháng và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Chất đường bột (glucid): nguồn cung cấp là gạo, khoai tây, các loại củ, quả (tinh bột là thành phần chính)…, hoặc có trong mía, mật ong (đường là thành phần chính)… Nó là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho mọi hoạt động cơ thể, đồng thời chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng khác.

Chất béo (lipid): nguồn cung cấp từ động vật (mỡ): gà, heo, cá, sữa… Nguồn cung cấp từ thực vật (dầu): đậu nành, mè, các loại đậu… Chất béo cung cấp năng lượng, tích trữ dưới da ở dạng một lớp mỡ và giúp bảo vệ cơ thể, chuyển hóa một số vitamin cần thiết cho cơ thể.

Sinh tố (vitamin): sinh tố A: dầu cá, gan, trứng, sữa… Sinh tố B: cám gạo, hạt ngũ cốc… Sinh tố C: rau quả tươi… Chúng giúp hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, xương, da… hoạt động tốt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp cơ thể phát triển tốt, khỏe mạnh.

Chất khoáng: gồm có phosphor, calci (cá mòi hộp, sữa, đậu…), iod (rong biển, cá, tôm…), sắt (gan, trứng, rau quả…)… Chất khoáng giúp cho sự phát triển của xương, hoạt động của cơ bắp, tổ chức thần kinh, cấu tạo hồng cầu và sự chuyển hóa của cơ thể.

Recommended For You