Trên địa bàn TPHCM có hàng trăm nghìn người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc. Trong đó, có người đã nhiều năm gắn bó với Thành phố. Vậy với họ, Thành phố có điều gì ấn tượng?
Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, anh Richard Munt, sinh sống tại Quận 4 (TPHCM), kiến trúc sư đến từ New Zealand và hiện đang giữ vị trí quản lý, điều hành dự án tại TPHCM cho biết: “Lần đầu tiên tôi biết đến Việt Nam là giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ở New Zealand nó được gọi là chiến tranh Việt Nam. Tôi là một sinh viên trẻ vào thời điểm đó và tôi từng lo lắng rằng anh trai tôi sẽ được yêu cầu tham gia chiến tranh tại miền Nam Việt Nam”.
Với Richard Munt, Việt Nam luôn là nơi anh muốn đến thăm nhưng mãi cho đến năm 2018 anh mới có cơ hội thông qua một việc làm với công ty kiến trúc của Việt Nam có mối quan hệ kinh doanh ở New Zealand.
“Đến nay, tôi đã sống ở TPHCM được gần 5 năm. Tôi đã có cơ hội đến thăm các viện bảo tàng và đọc, tìm hiểu, nói chuyện với mọi người để hiểu về lịch sử đầy biến động của Việt Nam. Sau khi nghiên cứu và chứng kiến sự tàn phá và hậu quả của chiến tranh với người dân Việt Nam, tôi cảm thấy rất buồn”, Richard Munt nói và cho rằng điều đó cũng thấy sự kiên cường của người dân Việt Nam, họ đã đứng lên, đấu tranh bằng mọi giá để có được hòa bình và phát triển.
Richard Munt rất ấn tượng với con người và nền văn hóa của Việt Nam, nhất là ở TPHCM. Anh nhận xét các bạn trẻ ở đây là những người năng động, nhiệt tình, sôi nổi, lối sống cũng rất hiện đại, hội nhập văn hóa toàn cầu. “Đặc biệt, trong công việc, người dân nơi đây có ý chí, quyết tâm rất cao và một tinh thần dường như được tiếp nối từ những thế hệ trước đây. Đó là lòng yêu nước, sự bền bỉ – những sức mạnh đã giúp nhân dân Việt Nam chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống sự xâm lăng trong lịch sử. Tôi yêu nơi này, yêu con người Việt Nam”, Richard Munt bày tỏ.
Có thời gian sống và làm việc tại TPHCM khá lâu, Richard Munt góp ý, Thành phố vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn để phát triển giao thông, giúp đi lại dễ dàng hơn; có biện pháp để hoàn thiện những công trình xây dựng dở dang bị trì hoãn lâu gây mất mỹ quan đô thị…
Ngoài ra, những điều làm nên sự hấp dẫn, nét đặc sắc của Thành phố đối với người dân và du khách cũng cần được quan tâm, như những con đường rợp bóng cây, sự phong phú của ánh sáng ban đêm, những tòa nhà cổ kính được bảo vệ,… Hay vấn đề thiếu lối đi bộ có chất lượng, an toàn ở Thành phố. Hiện hầu hết lối đi bộ được sử dụng làm bãi đỗ xe máy hoặc làn đường dành cho xe máy, gây nguy hiểm cho người dân và du khách khi phải đi xuống lòng đường.
“Tôi thích thói quen của người dân TPHCM vào trung tâm Thành phố về đêm chỉ để ngồi tán gẫu, ăn uống ở những quán cà phê vỉa hè, dạo phố đi bộ. Tôi mong muốn các bạn hãy giữ nét rất Việt Nam, đáng yêu của Thành phố thay vì cố gắng trở thành một thành phố hoàn toàn hiện đại”, Richard Munt nói.
Với Tony David Smith, một người nước ngoài khác đến từ Australia và đang sinh sống ở Quận 7, cơ duyên khiến anh đến Việt Nam vào 18 năm trước khi tham gia chuyến đi du lịch vòng quanh châu Á.
“Tôi đã trở lại Việt Nam sau chuyến đi đó. Tôi lớn lên ở Australia nhưng luôn có niềm đam mê với Đông Nam Á, tôi đã chọn Việt Nam. Vợ tôi là người Việt Nam, chúng tôi gặp nhau 14 năm trước và bên nhau kể từ đó”, Tony David Smith nói.
Theo Tony David Smith, TPHCM là một thành phố sôi động, hấp dẫn với vẻ đẹp hiện đại. Những cuộc chiến tranh trước đây ở Việt Nam với nhiều đau thương, mất mát là những sự kiện buồn. Tuy nhiên, qua phim ảnh, tiếp xúc với người dân hay qua báo chí, anh cảm nhận rằng, giờ đây, khi chiến tranh đã đi qua, thế hệ trẻ Việt Nam đang hướng về phía trước, làm những điều mới mẻ để phát triển đất nước.
Tony David Smith tin tưởng TPHCM sẽ rất hiện đại khi hoàn thiện các dự án hạ tầng lớn mà gần nhất là vận hành tuyến metro số 1, cùng các tuyến đường vành đai Thành phố, các trục đường nối với các địa phương trong vùng đang được triển khai.
Sống tại Việt Nam từ năm 2009, Johnson Mark Nicholas đến từ nước Anh cho biết công việc của anh là quản lý dự án trong lĩnh vực về năng lượng, dầu khí. Dịp nghỉ lễ giỗ tổ, 30/4 và 1/5 năm nay anh dành thời gian bên vợ và 2 con tại TPHCM.
Johnson Mark Nicholas chia sẻ anh biết thông tin về ngày 30/4 qua báo chí và xem các phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Song hầu hết những gì anh hiểu lại là từ các chuyến thăm đến các di tích lịch sử, như: Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TPHCM, nhà tù và bảo tàng ở Côn Đảo, và may mắn hơn là được nói chuyện với một số người Việt đã sống trong giai đoạn chiến tranh.
Nói về TPHCM, Johnson Mark Nicholas cho hay anh yêu cuộc sống ở đây, một Thành phố sôi động dù đôi khi gặp khó khăn trong giao thông. Nhưng cách đó không xa, nơi anh sống là Phú Mỹ Hưng, nhịp sống chậm và thư thái hơn. Có rất nhiều hoạt động giải trí ở đây và giá cả tương đối phải chăng.
Johnson Mark Nicholas mong rằng Thành phố cần cải thiện những vấn đề như ngập nước, tắc nghẽn giao thông, các chuyến bay bị chậm trễ khá phổ biến… Ngoài ra, sẽ rất vui nếu vấn đề visa du lịch và kinh doanh được nới lỏng hơn và sẽ rất tuyệt với trong thời gian tới kinh tế của Thành phố phục hồi trở lại.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Mạnh Hùng