Phòng ngừa stress ở bò sữa

    Stress nhiệt ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, khả năng sinh sản, tốc độ tăng trưởng của bò. Để kiểm soát được stress nhiệt có thể dựa vào chỉ số THI (chỉ số đánh giá nhiệt độ – ẩm độ chuồng nuôi); đo nhiệt độ trực tràng và đặt chip vào âm đạo bò.

    Vì sao bò bị… stress?

    Phần lớn chuồng trại chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM được xây dựng sát vách nhà ở, diện tích chuồng hẹp do xây cất tạm, mái chuồng thấp (mái cao nhất chỉ đạt 3 mét) từ đó giảm khả năng lưu thông không khí, làm nhiệt độ và ẩm độ trong chuồng luôn ở mức cao, ngay cả vào ban đêm, trong khi đó đàn bò lai HF được nuôi tại các nông hộ có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm kém.

    Khi nhiệt độ môi trường cao, sự chênh lệch nhiệt độ xung quanh và thân nhiệt bò càng lớn, bò sẽ làm mát cơ thể bằng cách bốc hơi (tiết mồ hôi và thở gấp), đồng thời ẩm độ chuồng nuôi cao thì sự bốc hơi tỏ ra không hiệu quả và thân nhiệt bò tăng lên dẫn đến lượng thức ăn ăn vào của bò bị giảm từ 10 – 12%, làm giảm sản lượng sữa, biểu hiện lên giống, sự phát triển nang noãn và ức chế phát triển phôi, giảm tỷ lệ đậu thai, tăng tỷ lệ sẩy thai, dẫn đến giảm khả năng sinh sản.

    Ngoài ra, khi nhiệt độ môi trường tăng cao, bệnh viêm vú thường gia tăng do khả năng phòng vệ của tuyến vú giảm.

    Nói chung, stress nhiệt ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, khả năng sinh sản, tốc độ tăng trưởng.

    Để kiểm soát được stress nhiệt có thể dựa vào chỉ số THI (chỉ số đánh giá nhiệt độ – ẩm độ chuồng nuôi); đo nhiệt độ trực tràng và đặt chip vào âm đạo bò.

    Biện pháp phòng ngừa

    Các biện pháp hạn chế stress nhiệt hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa cần được chú trọng thực hiện như sau:

    • Thiết kế chuồng trại thông thoáng: bò sữa đa số nuôi nhốt, cầm cột trong chuồng nên khi nhiệt độ môi trường tăng cao, chỉ số THI trên 72 và thân nhiệt bò trên 39 độ C sẽ dẫn đến stress nhiệt.
      Do đó, thiết kế chuồng trại phải cao ráo, thoáng mát (chiều cao từ mặt nền tới mái chuồng tối thiểu 3,5 mét), mái lợp bằng vật liệu cách nhiệt, xung quanh chuồng nên trồng cây che bóng mát để tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào chuồng bò.
    • Trang bị hệ thống làm mát chuồng nuôi gồm quạt gió và béc phun mưa làm mát trực tiếp cho bò:
      – Sử dụng hệ thống phun mưa làm mát 5 chu kỳ/ngày vào các thời điểm 9, 11, 13, 17 giờ;
      – Mỗi chu kỳ làm mát 45 phút, trong đó bật hệ thống phun mưa từ 30 – 45 giây (chỉ phun nước trên vai bò và hạn chế tối đa nước chảy xuống bầu vú), sau đó mở quạt 5 phút và buổi tối bật quạt lúc 20 giờ trong vòng 30 phút.
      Trong đó, phải sử dụng quạt công nghiệp, đường kính quạt tối thiểu 70 cm, công suất 280 W trở lên tùy vào diện tích chuồng, tốc độ gió của quạt tương đương 3 m/s, lưu lượng béc 3 bar, lưu lượng nước 2 lít/béc.
      Tốt nhất nên thiết kế hệ thống tự động vận hành.
      Tuyệt đối không sử dụng hệ thống phun sương sẽ làm tăng ẩm độ chuồng nuôi, khả năng làm mát trên bò thông qua bốc hơi trên bề mặt da bị hạn chế do các hạt sương chậm bốc hơi hoặc chưa tiếp xúc được với da bò.
      Trong điều kiện các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ không có điều kiện đầu tư hệ thống làm mát trực tiếp cho bò, có thể thực hiện phun nước lên phần vai bò theo chu kỳ là 1 phút phun nước và nghỉ 30 phút rồi tiếp tục lặp lại hoặc áp dụng hình thức phun nước lên mái chuồng.
    • Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho đàn bò: khi nhiệt độ môi trường tăng cao, để đảm bảo cho bò ăn đủ nhu cầu, việc sử dụng những loại thức ăn có chất lượng cao là cần thiết.
      Cụ thể: tăng hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần để bù vào số lượng ăn ít; tăng số lần cho ăn trong ngày, nên cho ăn thêm vào ban đêm; bổ sung vitamin C trong suốt thời gian bị stress nhiệt để gia tăng sức đề kháng.
      Cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho bò uống tự do suốt ngày đêm, tốt nhất là trang bị máng uống tự động cho bò.
      Đồng thời, phải bố trí mật độ nuôi hợp lý với diện tích bò vắt sữa 8 m2/con, bò cạn sữa 6 m2/con, bò tơ và hậu bị 4 m2/con, diện tích cho bê là 2 m2/con.

    ThS. LIỄU KIỀU

    Recommended For You