Tạo cân bằng cho tình trạng lo âu

    Thông thường, ai cũng có vấn đề để lo lắng nhưng khi khó khăn đã được giải quyết mà tình trạng lo âu vẫn tồn tại, hay khi không có khó khăn gì mà tình trạng lo âu vẫn xuất hiện và kéo dài thì trường hợp này là lo âu bệnh lý hay rối loạn lo âu. Hoặc cảm thấy lo lắng quá mức trước một tình huống mà đa số người khác sẽ không lo lắng nhiều như thế cũng là rối loạn lo âu. Khoảng 2/3 bệnh nhân trầm cảm có lo âu kèm theo.

    Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng lo âu bệnh lý như do di truyền (trong nhà có một hay nhiều người bị rối loạn lo âu), do bệnh lý tâm thần khác: sa sút tâm thần, tâm thần phân liệt, do bệnh lý cơ thể khác (như tai biến mạch máu não, động kinh, bệnh tim mạch, rối loạn chức năng tuyến giáp…).

    Việc sử dụng thuốc hay lạm dụng chất gây nghiện: nghiện rượu, sử dụng thuốc lắc, uống cà phê quá nhiều, thuốc điều trị tim mạch hay hen phế quản… cũng làm xuất hiện bệnh lý lo âu.

    Biểu hiện ban đầu là bệnh nhân cảm thấy lo lắng quá mức, kéo dài và thường xuyên về những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống như ngày mai phải đi chợ mua cái gì, chiều mai dự đám cưới phải mặc bộ đồ gì…

    Có bệnh nhân lại tỏ ra rất sợ hãi khi phải đi một mình ra đường, ở nhà một mình, đi xe buýt, taxi, máy bay hay vào thang máy, khi gặp đám tang, khi phải tiếp xúc với một ai đó, phát biểu trước một tập thể… Kèm theo cảm giác lo âu là một số biểu hiện cơ thể và thần kinh thực vật như căng thẳng bắp cơ, đau cơ, nhức đầu, khó ngủ, dễ bực tức, cảm thấy bứt rứt, khó tập trung, dễ giật mình, khó nuốt, nôn và buồn nôn, toát mồ hôi, run…

    Khi đã xếp vào lo âu bệnh lý thì các bác sĩ đã xem đó là một loại bệnh tâm thần cần điều trị vì lúc này các triệu chứng bệnh đã gây ảnh hưởng tiêu cực trầm trọng đến cuộc sống hàng ngày ở gia đình, công việc, học tập hay môi trường xã hội của bệnh nhân. Bệnh nhân suốt ngày cảm thấy lo lắng, bứt rứt sẽ không thể tập trung học tập hay giải quyết công việc một cách hiệu quả, đồng thời sẽ gây căng thẳng trong mối quan hệ với những người thân trong gia đình, ma túy với mong muốn được thoát ra khỏi tình trạng đau khổ này trong chốc lát…

    Hiện nay, hầu hết các rối loạn lo âu đều được điều trị bằng sự phối hợp 2 phương pháp là thuốc chống lo âu và tâm lý liệu pháp.
     
    Tuy nhiên, không nên tự sử dụng các loại thuốc mà cần phải tuân theo sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ vì nếu sử dụng không đúng cách có thể gây hiện tượng quen thuốc và giảm hiệu lực của thuốc.
     
    Về tâm lý liệu pháp, người ta thường áp dụng các liệu pháp hành vi nhận thức hay thư giãn.
     
    Nhà tâm lý phân tích cho bệnh nhân thấy sự vô lý trong các nỗi sợ hãi của họ, tìm cách cho bệnh nhân tiếp xúc dần dần với các hoàn cảnh gây sợ hãi nhằm làm họ thích nghi dần với các hoàn cảnh này. Hoặc có thể dạy cho bệnh nhân kỹ thuật hít thở sâu và chậm, kỹ thuật thư giãn cơ…
     
     
    Còn nếu lo âu là biểu hiện của các loại bệnh lý tâm thần hay cơ thể khác thì phải điều trị các bệnh lý gốc này.

    Mỗi người hoàn toàn có thể chủ động làm giảm đến mức thấp nhất các hoàn cảnh có thể gây lo âu nếu biết cách tạo cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, giữa làm việc và giải trí, giải quyết mọi việc phải có kế hoạch, có thời khóa biểu được sắp xếp hợp lý.

    Không nên để tình trạng stress kéo dài, nên xây dựng lối sống lành mạnh như dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, ngủ đủ thời gian và có chất lượng, tập thể dục thể thao, tham gia các loại hình giải trí mà mình yêu thích… cũng là cách phòng bệnh lo âu.

    Xây dựng mối quan hệ tốt với bạn bè, đồng nghiệp và có quan điểm sống tích cực, tập thái cực quyền, yoga… cũng có thể giúp làm giảm cảm xúc lo âu.

    BS. LÊ QUỐC NAM

    Recommended For You