Nhớ thời còn là một sinh viên đầy lãng mạn ở trường dược, vừa mê học và cũng vừa mê… chơi, cho nên ít khi nào tôi về nhà đúng giờ để cùng quây quần với gia đình bên mâm cơm ấm cúng. Song thân tôi có lúc cũng “càm ràm” vì muốn khi cơm được dọn lên thì mọi người phải có mặt đông đủ để vui cửa, vui nhà.
Thời sinh viên, nào là tin học, nào là ngoại ngữ, nào là những giờ phút riêng tư của tuổi trẻ… đôi khi cũng về nhà ăn vài bữa cơm lấy lệ rồi đâu cũng vào đó.
Có lần tôi về nhà đã khuya, thấy cơm dọn lên bàn rồi mà hỏi ra thì mọi người trong nhà đều chưa ăn. Cha mẹ tôi thì bảo phải đợi tôi về để cả nhà ăn chung, từ đó tôi cảm thấy hơi ái náy và dành thời gian về nhà dùng cơm với gia đình nhiều hơn.
Sau này đơn thương độc mã, bôn ba vật lộn với cuộc sống ở xứ người, tôi cũng lại lót bao tử bằng những thứ “take away” (người Úc dùng những từ này để ám chỉ những loại thức ăn nhanh kiểu như “cơm hộp”).
Đôi khi ngồi gặm những mẩu bánh mì khô lạnh vì không có thời gian làm nóng thì lại hồi tưởng đến những bữa cơm ấm cúng ở quê nhà. Rồi lại cảm thấy giật mình, tự hỏi sao mình lại không quý trọng sức khỏe của chính mình.
Mà đâu chỉ riêng mình tôi, ngày nay, xã hội văn minh hiện đại, người ta lại càng có khuynh hướng chọn những thức ăn kiểu “fast food”.
Thời buổi kinh tế thị trường, khi mà đa số các hợp đồng được ký kết tại… bàn nhậu thì người ta lại càng không mặn mà lắm đến những bữa cơm gia đình.
Các nhà y học và xã hội học đã làm những cuộc nghiên cứu và đã kết luận rằng những buổi ăn chung của gia đình sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, bao gồm lợi ích về tài chính, về sức khỏe và về mối quan hệ gia đình.
Về khía cạnh tài chính, những bữa ăn chung cho cả gia đình sẽ có chi phí ít hơn, thậm chí rẻ hơn nhiều so với những loại thức ăn nhanh rẻ tiền nhất. Bữa ăn gia đình sẽ giúp chúng ta tiết kiệm tiền bạc.
Về lĩnh vực sống khỏe, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng những bữa ăn gia đình sẽ làm cho người ta ăn trái cây và rau cải nhiều hơn, nhờ đó sẽ giảm tần suất béo phì ở trẻ em và cả người lớn.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ) đã cho thấy rằng, những bữa ăn gia đình sẽ giúp trẻ phát triển những kỹ năng về ngôn ngữ, bởi vì trong lúc ăn, cha mẹ thường hỏi trẻ về chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè và cả những sở thích của trẻ.
Các nhà dinh dưỡng đã xác nhận rằng kiểu di truyền, hành vi, môi trường và các yếu tố xã hội đã tác động vào đại dịch béo phì.
Trong một nghiên cứu được xuất bản trong tạp chí y khoa “Obesity Research”, các khoa học gia đã dẫn chứng rằng, môi trường gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng các hành vi ăn uống cho trẻ.
Một nghiên cứu khác tại Đại học Columbia đã khảo sát trên những thiếu niên rất ít hoặc không bao giờ ăn cơm chung với gia đình thì đến 72% trường hợp bị rối loạn hành vi và có khuynh hướng sử dụng các chất kích thích. Riêng đối với những thiếu niên từng ăn chung với gia đình 5 lần hay hơn trong 1 tuần thì 59% không đụng tới thuốc lá, 42% không đụng tới rượu bia.
Những gia đình thường dùng chung bữa cơm với nhau thì sẽ giảm tần suất căng thẳng trong gia đình, gia đình nhờ đó cũng trở nên ấm cúng hơn, khiến các thành viên trong gia đình cảm thấy thật sự đây là một tổ ấm, nhờ đó con cái học hành tiến bộ hơn, vợ chồng làm việc với hiệu suất lao động cao hơn.
“Trời đánh, tránh bữa ăn”, có lẽ không những để ám chỉ đến “miếng ăn” đúng nghĩa mà còn muốn nói đến những giây phút bình yên ấm cúng của một gia đình. Vậy thì anh bạn trẻ ơi, hãy tranh thủ về nhà ăn những bữa cơm mẹ nấu, trong đó sẽ chứa đựng biết bao tình thương. Còn anh chồng trẻ ơi, tan sở hãy nhanh chân về để ăn bữa cơm vợ nấu, trong đó sẽ chứa đựng biết bao nhiêu nghĩa tình. Phàm ở trên đời, nếu thấy sai thì sửa, biết sai mà không sửa, đấy chính là cái cớ sự của mọi vấn đề và dĩ nhiên, đâu có loại trừ sức khỏe.