Tái bản tập sách ‘Gốm cây mai – Đề Ngạn Sài Gòn Xưa’ với nhiều bổ sung về gốm

    Trong hơn 200 năm tồn tại, từ gạch, ngói, lu, hũ, đôn, chậu… của xóm Lò Gốm “Chơn vò vò bàn cổ xây trời” đến những sản phẩm sành men màu “Đề ngạn/Mai khu”, các lò gốm ở vùng đất Sài Gòn xưa (tức Chợ Lớn sau này) đã tạo ra một danh mục sản phẩm gốm phong phú.

    Xóm Lò Gốm là địa danh được ghi bằng văn tự lần đầu tiên trên bản đồ Gia Định – Sài gòn do Trần Văn Học vẽ vào năm 1815. Trong lời chú giải bài Phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Trương Vĩnh Ký trích dẫn rằng: “Xóm Lò Gốm ở làng Phú Lâm, rạch thông ra ngã tư, thông về cầu Khâm Sai. Chỗ người ta làm đồ gốm, xây vò, chậu, lu, mái, làm việc như ông Bàn cổ xây trời”.

    Có vẻ Trương Vĩnh Ký đã căn cứ vào thực tế của cuối thế kỷ XIX với một giới hạn ở vùng quanh đồn Cây Mai để nói về Làng Phú Lâm.

    Trong Bản đồ Gia Định – Sài Gòn của Nguyễn Văn Học, xóm Lò Gốm nằm ở phía ngoài bến Bình Đông, vùng đất hai bên kênh Ruột Ngựa, gồm: làng Hòa Lục (quận 8, TP.HCM) và Phú Định (quận 6. TP.HCM) ngày nay.

    Từ những tư liệu lịch sử kể trên và qua khảo sát thực tế, có thể hình dung rằng: địa bàn xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định – Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo – Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa, kênh (rạch) Lò Gốm. Dấu vết lịch sử của xóm Lò Gốm còn tồn tại là tên rạch và bến Lò Gốm, đường Lò Siêu và có thể cả đường Xóm Đất (thuộc quận 11, TP.HCM).

    Theo lời kể của một người địa phương là ông Nguyễn Văn Thìn (sinh năm 1911, nhà số 574 đường Phạm Văn Chí, Q.8, TP.HCM), vào khoảng năm 1920 – 1930, có các lò chén, lò siêu, lò lu nằm trải dài trên bờ rạch Lò Gốm (phía bên đường Bến Lò Gốm) từ cầu Phú Lâm đến cuối đường Trần Văn Kiểu.

    Dấu tích vật chất của xóm Lò Gốm ngày xưa nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi thuộc làng Hòa Lục (phường 16, quận 8), nằm ven kênh Ruột Ngựa. Đối diện là làng Phú Định; cách đây vài năm còn một số gia đình làm nghề “nặn ông lò” – bếp gốm. Di tích là gò lớn, chứa đầy mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu… Trong lần khai quật hồi năm 1997 – 1998, người ta đã tìm thấy tại đây có phế tích của 3 lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu), là loại lò thông từ bầu lửa đến ống khói, dốc và hẹp, nền lò được gia cố nhiều lần, thành lò đắp dày bằng phế phẩm. Các đoạn vách lò còn lại được xây bằng loại gạch lớn chảy men dày, lòng lò chứa đầy mảnh sản phẩm mà qua đó có thể nhận biết một số loại sản phẩm đặc trưng của lò Hưng Lợi. Ba lò gốm này sản xuất nối tiếp nhau trong một thời gian khá dài nhưng có thể không liên tục, vì lò gốm của giai đoạn sau được xây trên một phần của lò cũ, hoặc sửa chữa gia cố lại từ lò cũ.

    Từ đó đến nay, gốm Cây Mai – một dòng gốm mỹ thuật do các nghệ nhân người Hoa ở Chợ Lớn chế tạo, được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Chúng đã trở thành đối tượng của các nhà sưu tập trên cả nước. Nhờ vậy, đã có nhiều phát hiện mới về số lượng, chủng loại gốm Cây Mai trong bộ sưu tập.

    Tất cả những điều mới mẻ này đã đặt ra yêu cầu tái bản tập sách với sự sửa chữa và bổ sung các thiếu sót mà dữ liệu thực tế hơn 20 năm trước không có điều kiện tiếp cận. Tác phẩm tái bản, bổ sung với nhan đề “Gốm Cây Mai – Đề Ngạn Sài Gòn xưa” có 3 phần chính: Vài tư liệu lịch sử gốm Cây Mai ở Đề Ngạn; Gốm Chợ Lớn Cây Mai: Những dấu tích còn tồn tại; Gốm Cây Mai: Thể loại và đặc điểm.

    Bên cạnh đó, sách có hình ảnh màu minh họa, với gốm gia dụng, gốm xây dựng, gốm gia dụng bài trí, gốm thờ tự, tượng trang trí… Phần phụ lục có những thông tin về dòng gốm hậu Cây Mai, gốm Biên Hòa ở Nghĩa Nhuận Hội quán, gốm Thạch Loan…

    Sách được xuất bản theo hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Công ty thương mại dịch vụ và truyền thông TYM.

    Sách này, thấy có bán trên trang Tiki ở địa chỉ https://tiki.vn/cua-hang/tymbooks.

    ĐƯỜNG TIỆM CẬN

    Recommended For You