Tìm kiếm những giá trị mới cho nông sản

Nền nông nghiệp đang góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc, tập trung trong ba lĩnh vực chính: trồng lúa nước; chăn nuôi; quản lý đất và sử dụng phân bón.

Thực tế này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải cấp bách triển khai các giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu phát triển xanh, thúc đẩy việc tạo giá trị mới cho nông sản.

Bắt nhịp với xu thế toàn cầu

Thực hiện mục tiêu của Chính phủ đặt ra, Đắk Lắk đã tiên phong thí điểm về sản xuất lúa giảm phát thải carbon trên diện tích hơn 4 ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).

Mô hình này được triển khai theo quy trình canh tác lúa xanh, giảm phát thải và tăng năng suất.

Đây là một giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt – khô xen kẽ của Viện Lúa quốc tế (IRRI), kết hợp với các chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và quy trình bao tiêu báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.

Theo ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon, có thể khẳng định mô hình này cho sản lượng (dựa trên lấy mẫu 10 m2) rất cao, khoảng 13,2 tấn/ha; khả năng thực tế đạt 12,5 – 12,7 tấn/ha. Điều này cho thấy, trồng lúa giảm phát thải hoàn toàn không ảnh hưởng đến sản lượng mà còn tăng đến 20% và giảm chi phí đầu vào 10%.

“Theo tính toán sơ bộ, dự kiến vụ này giảm phát thải được khoảng 3,5 tấn carbon/ha và đồng thời giảm lượng nước sử dụng được 50%. Chúng tôi đợi báo cáo chính thức của Công ty Spiro Carbon (Mỹ) để đưa ra số liệu giảm phát thải từ mô hình này. Sau đó, công ty sẽ công bố lượng carbon giảm phát thải và mua lại cho nông dân với đơn giá 20 USD/tấn carbon. Đồng thời trao chứng chỉ carbon sản phẩm lúa gạo đầu tiên của Việt Nam cho nông dân Đắk Lắk”, ông Tiến cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sản xuất nông nghiệp giảm phát thải là chương trình chiến lược của Chính phủ. Đến thời điểm này, Đắk Lắk tổ chức triển khai thực hiện không chỉ riêng cây lúa mà còn ở nhiều cây trồng khác như: ca cao, cà phê, cây ăn quả… Đặc biệt, đối với cây cà phê, Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên và Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới có doanh nghiệp (DN) đạt hai chứng nhận của tổ chức 4C về hai vùng trồng (quy định về sản phẩm không gây mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EUDR)), với tổng diện tích 9.500 ha và sản lượng trên 35.000 tấn.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Daklak (doanh nghiệp đạt hai chứng nhận trên) cho biết, không dừng lại với hai chứng nhận này, DN đang khẩn trương cùng với TP. Buôn Ma Thuột và các huyện: Krông Năng, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ hoàn thiện các khâu để kiểm tra việc tuân thủ theo quy định EUDR trong quý III/2024, với gần 100.000 ha cà phê và sản lượng 300.000 tấn. Mục tiêu đến năm 2030, vùng nguyên liệu 5.000 ha của công ty sẽ cân bằng phát khí thải và 1.000 ha có thể bán chứng chỉ carbon.

Cần chiến lược lâu dài

Đắk Lắk hiện có trên 680.000 ha cây trồng, trong đó cây hằng năm trên 323.400 ha, cây lâu năm hơn 358.000 ha. Đây là tiềm năng rất lớn để khai thác giá trị mới trong các ngành hàng nông nghiệp.

Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn còn hạn chế trong việc hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận…

Mặt khác, yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe, không còn đơn thuần là tạo ra sản phẩm ngon, chất lượng, mà đi kèm đó là trách nhiệm bảo vệ môi trường. Điều này buộc các tác nhân tham gia trong ngành phải thay đổi tư duy, quy trình canh tác… để phù hợp với xu thế tiêu dùng toàn cầu.

Nông dân tham gia vùng nguyên liệu cà phê đạt tiêu chuẩn EUDR ở huyện Krông Năng.

Tuy nhiên, có một rào cản là theo lộ trình đến năm 2028 mới hình thành thị trường carbon, trong khi thời điểm này, các địa phương đang tổ chức triển khai thực hiện và những nhà thu mua carbon chủ yếu đang dừng lại ở cam kết thu mua. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần xây dựng lộ trình cụ thể, bài bản để có những nhà thu mua trong nước tham gia vào thị trường này.

Theo ông Trần Minh Tiến, cái khó nhất trong sản xuất giảm phát thải là làm sao cho bà con nông dân tiếp nhận được sự thay đổi, đó là sự tính toán lại dinh dưỡng cho cây lúa (vì bà con ở khu vực này sử dụng dinh dưỡng quá nhiều cho cây lúa) và thay đổi quy trình sản xuất ướt – khô xen kẽ – quy trình này bà con đã từng làm nhưng làm chưa đúng. Đồng thời, để thực hiện quy trình này đòi hỏi vùng trồng lúa phải có hệ thống thủy lợi đảm bảo, đây là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương của Đắk Lắk.

Hiện nay, nông nghiệp phát thải thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ NN-PTNT, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Đắk Lắk cũng đang nỗ lực thúc đẩy ngành nông nghiệp xanh, bền vững và phát thải thấp để biến “dòng tiền” vô hình trở thành hữu hình thông qua giá trị mới của nông sản. Thực hiện mục tiêu này cần có sự góp sức không chỉ của người nông dân, mà cần có sự đầu tư của Nhà nước về mặt thủy lợi, công nghệ…; sự tham gia của các DN, nhất là các DN thu mua sản phẩm với giá tốt hơn.

Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử | Minh Thuận

* Hình bìa: Mô hình sản xuất lúa giảm phát thải ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).

Recommended For You