Những năm gần đây, tỷ lệ hao hụt trong hoạt động nuôi cá tra ngày càng cao, thậm chí có ao nuôi có tỷ lệ cá chết hơn 50%, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do môi trường ngày càng xấu hơn, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Do đó, để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hoạt động nuôi cá tra thì việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh tổng hợp là vô cùng quan trọng.
Cải tạo ao
Trước khi thả nuôi, cơ sở nuôi cá tra phải cải tạo nền đáy, xử lý chất thải rắn nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường ao nuôi, nước cấp vào ao nuôi phải đảm bảo chất lượng nước theo quy định.
Nước xả, chất thải từ ao đang nuôi phải được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y bằng vôi bột, hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Trường hợp ao có cá bệnh, xử lý nước bảo đảm không còn mầm bệnh trước khi xả thải.
Tuyệt đối không xả thải nước ao bệnh khi chưa qua xử lý tiêu diệt mầm bệnh.
Con giống và thức ăn
Con giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo không có mầm bệnh; có giấy chứng nhận kiểm dịch và được lựa chọn từ các cơ sở sản xuất giống có uy tín. Tốt nhất nên sử dụng con giống có khối lượng từ 30 – 40 g/con. Mật độ thả nuôi 40 – 50 con/m2.
Sử dụng thức ăn có các thành phần, kích cỡ phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cá; không mang mầm bệnh; các loại thức ăn tổng hợp và tự chế biến cần được bảo quản tốt, tránh bị nhiễm nấm mốc và nhiễm khuẩn.
Các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi cá phải nằm trong danh mục thuốc thú y, hóa chất dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam và theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y thủy sản; ngừng sử dụng trước khi thu hoạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Theo dõi sức khỏe và quản lý dịch bệnh
Hàng ngày theo dõi sức khỏe cá như: màu sắc, khả năng hoạt động, lượng thức ăn tiêu thụ; kiểm tra màu nước, các chỉ tiêu môi trường, sự xuất hiện của các yếu tố địch hại.
Chủ cơ sở nuôi cần theo dõi nắm thông tin về tình hình dịch bệnh xảy ra trong khu vực/vùng, tình hình dự báo thời tiết và cảnh báo dịch bệnh của cơ quan chuyên môn để có biện pháp chủ động phòng tránh dịch bệnh.
Khi cá có dấu hiệu bất thường, chủ cơ sở nuôi phải thông báo ngay cho cơ quan thú y để xác định kịp thời tác nhân gây bệnh.
Kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi định kỳ như: DO (hàng ngày); pH, độ kiềm (2 ngày/lần); H2S, NH3 (1 tuần/lần). Không dùng chung dụng cụ giữa các ao, lồng, bể.
Dụng cụ chứa cá tra và dụng cụ dùng trong quá trình sản xuất cần được vệ sinh, khử trùng trước và sau khi sử dụng để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh. Ngâm trong thuốc tím 200 ppm tối thiểu 20 phút hoặc các hóa chất có công dụng tương đương và được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Người làm việc tại cơ sở nuôi phải thực hiện vệ sinh, khử trùng khi ra, vào cơ sở. Khi phát hiện cá bệnh, cá chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom và xử lý kịp thời theo hướng dẫn của cán bộ thú y, cơ quan quản lý thú y thủy sản.
Trường hợp cá bị bệnh, chết bất thường thì chủ cơ sở khai báo cho thú y cơ sở hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất, đồng thời thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y thủy sản.
Chủ cơ sở chủ động phối hợp với cán bộ thú y kiểm tra, thu mẫu gửi các đơn vị thử nghiệm để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Đồng thời, chủ cơ sở nuôi chủ động lấy mẫu xét nghiệm. Lấy mẫu cá để xét nghiệm xác định mầm bệnh định kỳ ít nhất 1 lần/tháng/ao đối với cá nuôi thương phẩm; 2 lần/tháng/ao đối với cá ở giai đoạn ươm.
Hồ sơ quản lý của cơ sở nuôi cá tra
Có hệ thống sổ theo dõi sức khỏe cá, tình hình sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong suốt quá trình sản xuất.
Sổ theo dõi ao nuôi phải được xác nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền để phục vụ yêu cầu kiểm tra, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu.
Cơ sở nuôi cá tra phải ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ về hoạt động sản xuất nuôi cá tra theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch giám sát sức khỏe cá nuôi, chủ cơ sở tự đánh giá và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu thực tế và đáp ứng yêu cầu về giám sát dịch bệnh.
Yêu cầu về thu hoạch sản phẩm
Cơ sở nuôi cá tra phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đảm bảo dư lượng thuốc, hóa chất trong giới hạn cho phép về an toàn thực phẩm và an toàn cho người tiêu dùng.
Trước khi thu hoạch, cơ sở chế biến phối hợp với cơ sở nuôi tiến hành thu mẫu cá để phân tích các chỉ tiêu cần thiết (theo yêu cầu khách hàng), bảo đảm không để xảy ra hiện tượng tồn dư kháng sinh, hóa chất cấm, chất độc hại và chịu trách nhiệm về việc này.
Cá được vận chuyển đến cơ sở chế biến trong các dụng cụ chuyên dụng, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y.