Để du khách đến làng nghề truyền thống

Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của từng vùng miền, địa phương.

Một địa phương muốn thu hút khách du lịch, tạo ra nhiều loại hình du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách thì phải bắt tay vào việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với việc khai thác có chiều sâu và khai thác đúng tài nguyên du lịch của địa phương đó.

Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu trong quá trình đi du lịch của du khách, bao gồm:

– Sản phẩm du lịch đặc trưng: đó là những sản phẩm hấp dẫn khách du lịch, tạo ra mục đích của khách du lịch tại điểm đến như: danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, nơi nghỉ mát, chữa bệnh, tham quan…

– Sản phẩm du lịch cần thiết: là những sản phẩm phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong quá trình đi du lịch như: phương tiện vận chuyển, ăn, nghỉ…

– Sản phẩm du lịch bổ sung: là những sản phẩm phục vụ các nhu cầu phát sinh trong quá trình đi du lịch như: cắt tóc, giặt ủi, massage, mua sắm hàng lưu niệm…

Như vậy, làng nghề vừa là sản phẩm du lịch đặc trưng khi làng nghề đó có khả năng hấp dẫn, thu hút khách, vừa là sản phẩm du lịch bổ sung khi tạo ra những mặt hàng lưu niệm cho du khách.

Theo TS. Ngô Thanh Loan, trưởng bộ môn du lịch, Trường đại học khoa học và xã hội nhân văn TP.HCM, phát triển du lịch làng nghề chính là góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững, bởi lẽ du lịch làng nghề không chỉ giúp mở rộng thị trường theo cách “xuất khẩu tại chỗ”, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn, chính nó phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề một cách tích cực.

Chuyện du lịch làng nghề ở ta Hiệp hội làng nghề Việt Nam thống kê, hiện nay cả nước có khoảng hơn 3.000 làng nghề thủ công, thuộc 11 nhóm nghề chính là sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, kim khí.

Những làng nghề truyền thống với thế mạnh chính là những sản phẩm thủ công độc đáo được làm nên từ bàn tay tài hoa của những người thợ được truyền từ bao thế hệ nhưng nhiều năm qua, loại hình du lịch này chưa chinh phục được du khách như các nước khác.

Du khách thích thăm làng nghề ở Việt Nam vì mong muốn được ngắm nhìn phong cảnh làng quê yên bình, được tìm hiểu về các vị tổ nghề, làm quen với những nghệ nhân, nông dân và có khi còn được trực tiếp tham gia vào các quy trình sản xuất sản phẩm thủ công; qua đó hiểu thêm về văn hóa và con người Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoại trừ những làng nghề hấp dẫn khách hàng kể trên thì phần lớn các làng nghề gần như bị bỏ quên hoặc vắng bóng du khách dù đã có tên trong sản phẩm tour của các hãng lữ hành.

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội – Viện xã hội học, băn khoăn: “Các sản phẩm du lịch có sự trùng lắp giữa các làng nghề. Du khách đến làng nghề nào cũng thấy những quà lưu niệm như vòng đeo tay, dây đeo giống hệt nhau, vào các kỳ lễ hội thì độ trùng lắp càng cao.

Dường như các làng nghề, các lễ hội đều mặc cùng một bộ quần áo, họ không nhấn mạnh được thế mạnh của mình.

Đáng buồn hơn, có nhiều nơi tuy có làng nghề truyền thống sản xuất nhưng sản phẩm được mua từ nước khác được bày bán nhan nhản khiến du khách càng mất niềm tin”.

Hơn cả, du lịch làng nghề còn phát triển tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp, ngay cả những làng nghề thu hút du khách đến tham quan cũng vậy.

Tại không ít điểm du lịch làng nghề, du khách ngán ngẩm về sự đơn điệu… họ chỉ biết tha thẩn trên đường làng, nhìn ngắm những người thợ làm việc.

Điều thất vọng hơn đối với du khách là khâu thuyết minh ở nhiều làng nghề hầu như chẳng theo bài bản gì.

Đã vậy, không ít tour làng nghề hiện còn thiếu cả thông tin giới thiệu tường tận về lịch sử làng nghề và đặc thù của những sản phẩm thuộc về làng nghề ấy.

Bên cạnh đó, tình trạng chung của người dân ở các làng nghề là thiếu kiến thức về du lịch và không biết ngoại ngữ.

Người dân không có hiểu biết về tiếp thị, không được học cách tiếp khách du lịch…

Kết quả, du khách đến tham quan nhưng không biết phải tham quan cái gì, không hiểu gì về văn hóa cũng như tập quán sản xuất của nơi tham quan vì không có cơ hội tiếp xúc với người dân và công việc của họ.

Ngoài ra, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ở các làng nghề cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Một điều quan trọng khác, các sản phẩm của các làng nghề hầu hết quá đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị hiếu của du khách.

Cũng khó trách được các làng nghề vì họ vốn sống bó hẹp trong môi trường nông thôn địa phương, ít nhạy cảm với thị trường và không có nhiều cơ hội giao thương với nước ngoài mà chỉ xuất hàng thông qua những doanh nghiệp.

Nghệ nhân chỉ sản xuất dựa vào quan sát, học hỏi, kinh nghiệm bản thân mà không để ý đến tính bản sắc văn hóa vùng miền và thương hiệu của sản phẩm, cũng không có khái niệm về sáng tạo mẫu mã.

Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp không có điều kiện làm “design”, đội ngũ thợ chỉ giỏi tay nghề kỹ thuật mà thẩm mỹ yếu và bị bó khuôn.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – giảng viên khoa du lịch, Viện đại học mở – cũng cho rằng: “Sở dĩ các làng nghề không biết chiếm lĩnh thị trường đồ lưu niệm phục vụ du lịch là vì chẳng ai nói với họ điều ấy.

Các làng nghề thường chia làm hai cách ứng xử: hoặc là cứ sản xuất bình thường và mặc cho khách thích tham quan gì thì tham quan; hoặc là tự ý thức được việc phải làm du lịch, phải bán được hàng cho khách du lịch nhưng sản xuất một cách tự phát mà không có kiến thức đầy đủ về thị trường du lịch.

Du khách đến từ các nước thuộc châu Âu thường yêu thích sản phẩm sơn mài, khách Nhật Bản lại thường chọn mua sản phẩm làm từ vải kết hợp thêu, móc, trong khi đó, khách đến từ Mỹ thích đồ mỹ nghệ bằng gỗ, tre, rơm…

Du khách Hàn Quốc, Đài Loan ưa những sản phẩm tinh tế, hoa văn cầu kỳ, chi tiết.

Khách châu Âu lại thích những sản phẩm đơn giản, họa tiết gọn ghẽ, thẳng thắn, sang trọng và đặc biệt quan tâm đến độ an toàn của sản phẩm, như chất liệu có độc hại không, hàng mây tre có ngâm tẩm hóa chất có hại không, sản phẩm có dễ bị mốc, bong tróc trong điều kiện thời tiết lạnh không…

Có người sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra mua những tác phẩm nghệ thuật chất lượng nhưng họ đi thường là dài ngày nên không thể mang đi vác lại những món đồ cồng kềnh, dễ vỡ trong suốt cuộc hành trình.

Vì vậy, họ sẽ ưu tiên chọn những món phù hợp với sở thích, nhu cầu, khả năng vận chuyển của mình. Dù vậy, thông thường, du khách sẽ dựa trên tính độc đáo, dấu ấn địa phương và Việt Nam, giá cả để quyết định “móc hầu bao”.

Học theo ví dụ điển hình Thái Lan Thái Lan có khoảng 50.000 làng nghề thủ công. Từ năm 2001, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện dự án OTOP (one tampon, one product: mỗi làng nghề một sản phẩm). Chính phủ hỗ trợ kết nối địa phương với toàn cầu, thông qua việc hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hoàn tất đóng gói, tiếp thị, tổ chức kênh phân phối ở nước ngoài.

Cụ thể, Chính phủ chỉ thị cho các trường đại học mở các phòng vi tính tạo phần mềm thiết kế các sản phẩm OTOP, đồng thời lập ra các trang thông tin nhằm giúp khách hàng nước ngoài có thể đặt mua hàng qua mạng.

Chính phủ cũng giúp tổ chức các tour du lịch tới các làng nghề để du khách có thể tận mắt thấy được các sản phẩm OTOP được sản xuất như thế nào.

Cho đến thời điểm hiện tại, ở Thái Lan có khoảng 36.000 mô hình OTOP, mỗi mô hình tập hợp từ 30 đến 3.000 thành viên tham gia.

Việc tổ chức lại các làng nghề truyền thống ở Thái Lan đã không chỉ góp phần bảo tồn và nâng cao kỹ năng tay nghề nghệ nhân, tạo công ăn việc làm ở nông thôn mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch”.

TS. Tôn Gia Hóa, phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam chia sẻ: Để du lịch làng nghề phát triển, cần sự vào cuộc của nhiều bên. Các làng nghề cần có những phòng trưng bày hoặc những bảo tàng nhỏ của làng xã, giới thiệu về sản phẩm và quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng, xuất xứ của sản phẩm và sự thay đổi mẫu mã qua các giai đoạn, những câu chuyện xung quanh những sản phẩm.

Bên cạnh đó, làng nghề cũng cần được đầu tư và quảng bá, chỉnh trang từ cơ sở hạ tầng đến các cửa hàng bày bán sản phẩm của làng nghề dựa trên việc nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, nhu cầu mua quà lưu niệm của du khách.

Theo đó, rất cần các cấp các ngành chung tay thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề trong cả nước và từng địa phương.

Đồng thời, hỗ trợ các làng nghề khôi phục, phát triển các nghề truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian, xây dựng môi trường du lịch văn hóa.

Cải thiện cơ sở hạ tầng kết hợp bảo vệ môi trường du lịch sinh thái. Việc khảo sát, xây dựng phát triển làng nghề gắn với các tuyến du lịch cũng rất quan trọng, trong đó tập trung tổ chức quảng bá về các làng nghề, sản phẩm làng nghề, cơ sở, hộ sản xuất và các nghệ nhân của làng nghề nằm trong các tuyến du lịch; lựa chọn, đào tạo hướng dẫn viên du lịch cho chính đội ngũ thợ thủ công trong các làng nghề.

Về phía các hiệp hội, hội cần giới thiệu, quảng bá những mô hình phát triển du lịch làng nghề có hiệu quả, tổ chức những hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát hiện tiềm năng phát triển du lịch tại mỗi làng nghề; thực hiện các hoạt động sự kiện như hội chợ, triển lãm, thi tay nghề, tôn vinh nghệ nhân, các hoạt động văn hóa, lễ hội… nhằm tạo nên những dấu ấn vùng miền đặc sắc thu hút khách du lịch.

Minh Huy

Recommended For You