Chất cafein trong trà sẽ góp phần gia tăng việc tổng hợp và phóng thích các chất trung gian dẫn truyền thần kinh, nên làm tăng tính nhanh nhạy, tăng khả năng tập trung, cũng như giảm mệt mỏi.
Nước trà (nước chè) là loại nước uống rất phổ biến trên thế giới, có thể nói là chỉ xếp sau nước uống thông thường. Nước trà được chế biến làm bằng cách ngâm lá, chồi, hay cành của cây trà vào nước sôi trong vài phút.
Trà là một nguồn cafein, theophylline và chất chống oxy hóa (antioxidant) tự nhiên, trong đó quan trọng nhất là catechin với chủ yếu là epigallocatechin-3-gallate.
Trong thành phần của trà gần như không có mỡ, carbohydrat, hay protein, do đó hầu như không cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng.
Trong 100 g lá trà có chứa 4 g cafein, trong khi 100 g hạt cà phê Arabica chỉ có 1,4 g cafein, như vậy trà là một loại thức uống cung cấp rất nhiều cafein.
Cafein là một chất kích thích thần kinh trung ương, do làm tăng tổng hợp và phóng thích các chất trung gian dẫn truyền thần kinh như catecholamin, dopamin, noradrenalin, adrenalin, serotonin, acetylcholin… do đó làm tăng nhanh nhạy, tăng khả năng tập trung, giảm mệt mỏi. Những người nhạy cảm hoặc dùng liều cao có thể bị run cơ, run tay, khó ngủ, nhức đầu, lo lắng, bứt rứt.
Trên tim mạch, cafein có thể làm tăng sức co cơ tim, tăng hay giảm nhịp tim, làm giãn cơ trơn mạch ngoại biên nhưng làm co động mạch não. Cafein có thể gây giãn các cơ trơn ở tiểu phế quản và phế nang nên làm tăng tưới máu và tăng trao đổi khí tại phổi, do đó giảm lượng CO2 ứ đọng. Trên cơ trơn hệ tiêu hóa, lúc đầu tác dụng của cafein là tăng co thắt nhưng sau đó là giãn, giảm nhu động ở liều cao.
Gastric và pepsin của dạ dày bị tăng tiết dưới tác dụng của cafein. Chất chống oxy hóa trong trà giúp cơ thể ngăn ngừa được tác động có hại của quá trình lão hóa, viêm nhiễm, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, do đó có thể ngăn ngừa những bệnh ung thư, tim mạch, thoái hóa ở thần kinh, khớp, da…
Lá trà có thể được oxy hóa (ủ để lên men), làm nóng lên, phơi, hay thêm vào cỏ, hoa, gia vị, hay trái cây khác trước khi ngâm vào nước.
Có 3 loại trà chính: trà xanh, trà đen, trà ô long; tất cả đều có nguồn gốc từ lá trà (Camellia sinensis), chỉ khác nhau về mức độ oxy hóa và cách chế biến.
Công nghệ để sản xuất trà xanh là không sử dụng men (enzym). Ngay từ giai đoạn chế biến đầu tiên, người ta tiến hành diệt men có trong nguyên liệu, để các biến đổi hóa học không xảy ra dưới tác dụng của men; còn sự chuyển hóa các chất vẫn phải thực hiện bằng 2 yếu tố nhiệt – ẩm. Như vậy, muốn có trà xanh chất lượng cao, phải diệt men triệt để và phải tăng cường chế biến nhiệt (phơi, sấy…).
Trà đỏ (ô long) có đặc điểm công nghệ là làm héo (phơi héo, hay gia nhiệt) trước khi diệt men. Búp trà hái xong bỏ vào túi để héo một thời gian, dù chưa chế biến đã dậy mùi thơm. Quá trình lên men và làm héo kết hợp liên tục với quá trình chế biến nhiệt tạo nên đặc trưng của trà ô long.
Lá trà làm héo từ 2 – 3 giờ, thì đưa đi lắc bằng thủ công (xoay sàng cho trà giập một phần) hoặc quay hương trong lồng tre, rồi đảo trộn rải đều lại hoặc cho trà héo sang sàng ở thùng quay kiểu lưới. Sau đó trả lại sàng héo, tiếp tục làm héo. Kết thúc quá trình làm héo và lên men kết hợp không ít hơn 12 giờ. Sau đó đưa trà đi diệt men và vò trà.
Vò trà quấn trong vải – bó quả – cho thành viên trà tròn đặc biệt không có ở các loại trà xanh khác. Từ sấy sơ bộ đến kết thúc giai đoạn ủ nóng cuối cùng, thực chất là quá trình chế biến nhiệt phối hợp với làm khô trà từng đợt. Nhờ quá trình này mà tăng cường màu nước của trà, chuyển hóa vị trà và nhất là làm tăng hương thơm đặc trưng của trà ô long.
Trà xanh có tác dụng chống oxy hóa cao nhất, thành phần có nhiều chất catechin hơn so với trà đen hay trà ô long, ngoài ra một số chất khoáng và vitamin có trong trà xanh giúp làm tăng cường thêm nữa khả năng chống oxy hóa. Vitamin C, vitamin B2, manganese có trong trà xanh hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, ngăn chặn quá trình lão hóa, điều hòa hệ miễn dịch, làm tăng sức kháng bệnh cho cơ thể. Theanin là một amino acid được tìm thấy trong trà xanh có tác dụng kích thích sự thư giãn, làm tăng khả năng tập trung và sáng tạo.
Hiệu quả của trà lên sức khỏe đã được báo cáo sau nhiều nghiên cứu trên thú vật và trên người, với tác dụng giúp cơ thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch, cao huyết áp.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy, uống trà có thể phòng ngừa đục thủy tinh thể, viêm khớp, chống tia tử ngoại, giảm nhiễm virus, vi khuẩn, bảo vệ răng miệng, bảo vệ hệ thần kinh, chống xơ vữa và làm tan mỡ cơ thể.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cũng đưa ra cảnh báo nếu sử dụng quá nhiều trà với nồng độ đậm đặc có thể có những tác động không tốt do hàm lượng cafein cao và hàm lượng polyphenol cao và ái lực mạnh có thể gây gắn kết nhiều loại protein, chất xơ…
Một số ý kiến cho rằng cafein trong trà có thể làm giảm lượng calci hấp thu tại ruột và giảm tái hấp thu calci tại ống thận gây ra loãng xương, tanin trong trà làm giảm hấp thu sắt nên dễ gây thiếu máu. Do đó, uống trà càng nhiều, có nguy cơ làm cho cơ thể bị thiếu sắt, dẫn đến thiếu máu.
Trà cũng làm giảm hấp thu kẽm nên không có lợi cho trẻ nhỏ, nhất là những trẻ đang bị suy dinh dưỡng do nhu cầu về kẽm rất cao.
Như vậy, những người bị thiếu máu đang trong thời gian uống viên sắt bổ sung, người đang bổ sung kẽm, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai đang cần nhu cầu sắt, kẽm cao thì không nên uống trà.
Trà có tác dụng sinh nhiệt nhờ làm tăng cường ly giải mỡ của cơ thể, như vậy khi trẻ đang sốt cũng không nên sử dụng nước trà, đồng thời nước trà cũng làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt.
Với những người khó ngủ, đặc biệt là trẻ nhỏ, với nhu cầu về thời gian ngủ cao, không nên sử dụng trà, nhất là vào buổi tối vì tác dụng gây hưng phấn thần kinh làm khó ngủ hơn.
Do tác dụng tăng tiết dịch dạ dày, không nên sử dụng trà cho trẻ nhỏ do lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày còn mỏng manh, dễ bị loét, tương tự với người có tiền căn loét dạ dày tá tràng. Trà cũng là tác nhân gây bón ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người già hoặc người có nhu động ruột yếu.
Như vậy, trà có tác dụng tốt nếu dùng với liều lượng vừa phải ở người lớn và một số trẻ lớn. Ở trẻ nhỏ, cần cân nhắc giữa tác dụng có lợi là chống oxy hóa với một số tác động ngoại ý có hại cho sức khỏe.
Trẻ nhỏ có nhu cầu các chất dinh dưỡng cao, rất cần đạm, sắt, kẽm, calci… nhưng trà lại làm giảm hấp thu các chất này. Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ cũng chưa hoàn thiện, dễ bị rối loạn tiêu hóa khi uống cafein; trẻ cũng cần giấc ngủ sâu để phát triển nên dùng các chất kích thích thần kinh như trà, cà phê là không có lợi.
Chưa kể, trà dùng cho trẻ em hay kèm với sữa và các loại trân châu, xi rô trái cây chứa nhiều đường, hoặc cho nhiều đường để che lấp vị chát nên dễ gây nhiễm khuẩn nhiễm độc nếu không được chế biến và bảo quản kỹ lưỡng, dễ gây béo phì do đưa vào quá nhiều năng lượng rỗng, không có lợi cho trẻ.