Thợ sửa xe đạp giàu lòng nhân ái

Tiếp xúc với chúng tôi trong nụ cười rạng rỡ rất “hai lúa”, ông Trần Văn Giàu, 55 tuổi, ngụ khu vực Thới Trinh B, phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ cho biết: “Tui đang gia công mấy chiếc xe đạp cũ cho nó “ngon” để tặng cho mấy đứa nhỏ hoàn cảnh khó khăn. Trời nắng chang chang như vậy mà tụi nhỏ đi bộ mấy cây số mới tới trường. Có xe “mới” để tụi nhỏ bớt khổ, an tâm học hành đàng hoàng”.

Bắt đầu công việc lặng thầm nhân ái này từ năm 2012 đến nay, ông Giàu đã “tân trang” được gần 70 chiếc xe đạp để tặng cho học sinh nghèo tại địa phương.

Để có được từng ấy xe đạp, mỗi ngày ông đều dành thời gian để lặn lội đi mua khung xe đạp cũ từ các cơ sở phế liệu về sơn lại và mua phụ tùng lắp ráp để hoàn chỉnh xe.

Thời gian làm mới mỗi chiếc từ 3 đến 4 ngày tùy thuộc kiểu dáng, độ hư hỏng của xe. Theo ước tính sơ bộ, mỗi chiếc sau khi hoàn thành phải mất khoảng từ 700.000 – 800.000 đồng/chiếc. Đó là chưa kể đến tiền công, tiền sơn mới xe đều do ông bỏ tiền túi thực hiện. Riêng khoản tiền mua phụ tùng xe ban đầu do một mạnh thường quân ủng hộ, hiện nay người này đã qua đời hơn 2 năm nên ông Giàu tự bỏ tiền túi để thực hiện.

Chỉ làm bài toán đơn giản: mỗi chiếc xe ông Giàu đã tự bỏ tiền túi 400.000 đồng thì với 70 chiếc xe đạp đã được hoàn thành, ông đã mất đến 28.000.000 đồng, đó là chưa kể đến hàng trăm ngày công lao động của ông. Một số tiền chưa quá lớn lao với những người khấm khá nhưng rất đáng tôn vinh đối với một người nông dân có thu nhập thấp như ông Trần Văn Giàu.

Ông Trần Văn Thắng, phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, phường Thới An xúc động nói: “Nhờ sự giúp đỡ của ông Giàu mà hàng chục học sinh của trường chúng tôi có xe đạp đi lại, không còn bị trễ giờ học và bớt vất vả hơn trước rất nhiều. Vậy mà khi chúng tôi mời ông tới trường để tặng giấy khen thì “ổng” biến mất. Người sao khiêm tốn quá chừng”.

Không chỉ tặng xe đạp “mới” cho học sinh khó khăn, ông Giàu còn sẵn sàng tặng xe đạp cho những người có khó khăn để họ có phương tiện mưu sinh, cải thiện cuộc sống. Thấy việc làm nhân nghĩa của ông, đã có rất nhiều người tìm đến ủng hộ khung xe đạp cũ, phụ tùng để góp phần cùng ông cho ra đời những chiếc xe đạp “tình người”.

Không chỉ dành thời gian “tân trang” xe đạp cho người nghèo, lúc rảnh rỗi công việc, ông Giàu còn đi tìm cây, lá để cung ứng cho các phòng khám bệnh miễn phí chế biến thuốc nam tại địa phương. Nghe đâu có thiên tai là ông tìm đến để giúp đỡ tiền bạc, công sức. Ông cho biết thêm: “Tui tên Giàu nhưng không giàu tiền, giàu bạc mà giàu tấm lòng thương yêu người nghèo thôi”.

Một câu nói giản đơn, chân chất nhưng mang theo bao ý nghĩa nhân văn thật đáng trân trọng.

Recommended For You