Giải pháp giảm suy thoái hệ sinh thái ven biển

Các hoạt động khai thác, vận tải, sử dụng không hợp lý vùng bờ đã bộc lộ trên suốt chiều dài hơn 3.260 km bờ biển từ Bắc vào Nam, dẫn tới sự suy thoái các hệ sinh thái tại đây ngày càng gia tăng.

Theo đánh giá của Tổng cục biển và hải đảo (Bộ tài nguyên và môi trường): môi trường vùng nước biển ven bờ đã bị ô nhiễm dầu, kẽm và các chất thải sinh hoạt; chất lượng trầm tích đáy biển cũng bị ô nhiễm quá mức cho phép.

Hàm lượng hóa chất bảo vệ thực vật chủng Andrin và Endrin của các mẫu sinh vật đáy vùng cửa sông phía Bắc đều cao hơn giới hạn cho phép. Đa dạng sinh học động vật đáy ở ven biển miền Bắc và thực vật nổi ở miền Trung suy giảm rõ rệt.

Hiện tượng thủy triều đỏ và bùng phát tảo nở hoa xuất hiện thường xuyên hơn ở ven bờ biển miền Trung như ở Nha Trang và Đà Nẵng. Đặc biệt, vùng kinh tế trọng điểm ven biển phía Nam đã và đang thải vào các sông bình quân một lượng nước thải sinh hoạt 113.216 m3/ngày và nước thải công nghiệp tới 312.330 m3/ngày.

Sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ bị acid hóa nặng do rửa trôi phèn từ các kênh rạch và chất thải gây nên. Ở vùng nước ven bờ hiện dầu thải lên mức 35 – 160 tấn/ngày, nitơ 26 – 52 tấn/ngày và tổng số chất amonia 15 – 30 tấn/ngày cộng với mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, không những làm gia tăng sự suy thoái các hệ sinh thái mà còn đe dọa đến cuộc sống ổn định của cộng đồng ven biển.

Theo các chuyên gia về môi trường biển, ngành quản lý môi trường và các địa phương ven biển cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về môi trường và ý thức bảo vệ môi trường. Huấn luyện những người trực tiếp tham gia vào các kế hoạch ứng phó khẩn cấp để nâng cao kỹ năng thực thi công việc khi sự cố xảy ra. Nghiên cứu lựa chọn địa điểm để xây dựng các trung tâm chứa và xử lý rác thải riêng cho các hoạt động tàu thuyền. Cấm đốt rác trên tàu khi tàu đang chạy, neo đậu hay cập cầu trên toàn tuyến để hạn chế ô nhiễm không khí do khí thải. Nước dằn tàu có thể là mối nguy hại đối với môi trường. Để phòng ngừa những tác động tiêu cực của nước dằn tàu, cần quy định bắt buộc tàu phải thải nước dằn vào các thiết bị tiếp nhận trên bờ. Các tàu phải có quy trình thải nước dằn và phải báo cáo cho cảng vụ biết trước khi tiến hành thải nước dằn.

Cấm thải cặn hàng và nước có lẫn hàng lỏng độc hại xuống biển. Khi cần thải cặn hàng hoặc nước lẫn hàng bắt buộc sử dụng các thiết bị tiếp nhận trên bờ. Đơn vị làm dịch vụ thu gom chất thải của loại hàng này được cấp giấy phép hành nghề của cơ quan chức năng. Hàng độc hại chở trong bao gói phải có đủ ký mã hiệu thể hiện đầy đủ đặc tính của hàng.

Các thông tin về hàng gồm danh mục, số lượng và vị trí xếp trên tàu phải được gửi cho cảng vụ trước khi tàu tới khu vực đón trả hoa tiêu. Không vứt bỏ, đốt rác, vật liệu bao gói, chèn lót có lẫn hàng độc hại khi tàu di chuyển, neo đậu hay cập cầu trên tuyến đi.

Cặn hàng và các vật liệu chèn lót, bao gói có lẫn hàng độc hại phải được thu gom và báo cho cảng vụ biết để được đưa đi xử lý theo đúng quy trình và quy định của pháp luật về môi trường.

Cần thẩm định và triển khai ngay kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố dầu tràn. Tăng cường hệ thống báo hiệu an toàn hàng hải trên các tuyến luồng. Kiểm tra giám sát chặt chẽ các phương tiện thủy về việc lưu thông, neo đậu, an toàn trang thiết bị và người điều khiển phương tiện. Cấm đốt rác trên tàu khi hoạt động trên tuyến.

Đối với cảng mới đưa vào khai thác, khuyến khích đầu tư hệ thống cung cấp điện bờ cho tàu khi nằm bờ. Đối với cảng nhận, trả dầu, hóa chất lỏng chở xô: khuyến khích sử dụng hệ thống nối kín tàu – kho để hạn chế lượng hơi hàng thoát ra ngoài môi trường khi làm hàng.

THANH ĐIỆP

Recommended For You

Trả lời