Làm thế nào để có một cuộc phỏng vấn thành công?

Tôi đã từng trải qua nhiều cuộc phỏng vấn xin việc/đi học và cũng có dịp phỏng vấn người khác hay tham gia vào một số thảo luận liên quan đến việc lựa chọn ứng viên. Tôi có một số kinh nghiệm cá nhân muốn chia sẻ.

1. Nếu có thể lựa chọn thì cố gắng có một cuộc phỏng vấn trực diện bởi rất khó có được cái không khí thoải mái khi phỏng vấn qua điện thoại.

Nếu phải phỏng vấn qua điện thoại, hãy thu xếp một căn phòng yên tĩnh để tránh bị phân tâm. Ăn mặc chỉnh chu – dù là qua điện thoại nhưng vẫn nên tạo ra không khí của một cuộc phỏng vấn. Đặt một chiếc gương to, nếu nhìn được cả người thì tốt, treo trong phòng phỏng vấn, để khi phỏng vấn, nhìn vào chính bạn trong gương sẽ thấy như bạn đang đối thoại với người ở đầu dây bên kia. Đứng, đi qua đi lại, nói trước gương thay vì ngồi phỏng vấn để tạo sự hào hứng trong lời nói và dễ diễn đạt hơn.

In lý lịch của bản thân và mục tiêu sống, làm việc ra giấy, dán lên gương hoặc ở tường ngay cạnh gương để luôn luôn nắm được mục tiêu của bản thân.

Để ly nước bên cạnh, thỉnh thoảng nhấp một ngụm.

Hãy là chính mình, đừng nâng cao cũng đừng hạ thấp bản thân, thỉnh thoảng phải hài hước. Đừng nghĩ phỏng vấn qua điện thoại không ai nhìn thấy mình nên gõ công cụ tìm kiếm trên máy tính mỗi khi được hỏi.

2. Chỉ cần 2 phút đầu tiên là đủ để đánh giá bạn là ứng viên tiềm năng hay không.

Vì thế, bạn cần ăn mặc đơn giản nhưng tinh tế, mồm miệng thơm tho, phong thái tự tin, ngồi thẳng người, nhìn thẳng vào mắt những người đối diện, mỉm cười khi cần thiết.

Tuy nhiên, nếu bạn đủ tự tin, hãy ăn mặc và cư xử như người mà bạn muốn trở thành, ví dụ, nếu bạn đi phỏng vấn làm giám đốc kinh doanh (sales manager), bạn phải ăn mặc và cư xử như một giám đốc kinh doanh, cho dù bạn chưa từng làm ở vị trí đó.

3. Đừng coi phỏng vấn là việc bạn bị hỏi và có nhiệm vụ trả lời, cũng đừng đi phỏng vấn với tâm thế mình phải được nhận.

Hãy coi đó là một cuộc trò chuyện với những câu trả lời ngắn gọn và đi vào trọng tâm câu hỏi.

Nếu người phỏng vấn cần biết gì thêm, họ sẽ hỏi tiếp.

Với kinh nghiệm của mình, tôi thấy, người phỏng vấn thường thích nói nhiều về cơ quan họ và về những gì họ đang làm, nên nếu mình là một người biết lắng nghe, biết gợi ý để họ nói về đơn vị của họ sẽ có lợi hơn là việc nói nhiều về bản thân mình.

4. Hãy để cho nhà tuyển dụng nhận ra họ gặp một đối tác thực sự thông qua phong thái tự tin và tự trọng trong cách trả lời.

Chú ý cách dùng động từ, không dùng những động từ mơ hồ hay không chắc chắn như tôi nghĩ, tôi đoán…, cũng không nên à ê kiểu văn nói.

5. Tỏ ra là một người khiêm tốn và sẵn sàng học hỏi.

Điều này rất quan trọng vì không ai biết tất cả. Quan trọng là bạn phải cho người phỏng vấn thấy mình sẵn sàng học và có tiềm năng để học được.

Cũng cần thể hiện mình là một người có tính cách ấn tượng, ôn hòa, dễ hòa nhập với mọi người.

6. Đừng quan trọng chuyện lương, nhưng cũng đừng mơ hồ về giá trị bản thân như kiểu: tùy công ty, lương thương lượng, lớn hơn hoặc bằng xxx.

Nên ghi rõ mức lương mong muốn kèm theo thông tin có thể thương lượng hay không.

7. Tuy nhiên các bạn nên nhớ rằng phỏng vấn là một quy trình mang tính chủ quan.

Do vậy, dù bạn có hài lòng với cuộc phỏng vấn như thế nào thì cũng hãy chuẩn bị tư thế rằng mình có thể bị loại.

Và nên nhớ, luôn gửi email cảm ơn trong vòng 24 giờ sau phỏng vấn. Điều này rất quan trọng để nhà tuyển dụng biết rằng bạn quan tâm đến công việc. Biết đâu, chính việc này sẽ quyết định ai là người họ lựa chọn.

VŨ LỪNG (Washington DC)|

Recommended For You