Mập phì và tuổi thọ

Đàn ông con trai bị mập phì ở tuổi 20 sẽ có nguy cơ chết sớm cao gấp đôi, so với những người không bị mập phì. Đó là kết quả của một nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo quốc tế về mập phì tại Stockholm, Thụy Điển (International congress on obesity in Stockholm, Sweden), hồi giữa tháng 7/2010.

Các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch (Institute of preventive medicine in copenhagen university hospital in Denmark), đã theo dõi tình trạng sức khỏe và tuổi thọ của 5.500 đàn ông con trai từ 20 đến 80 tuổi, và nhận thấy rằng, bắt đầu từ tuổi 55, những ông đã bị mập phì từ lúc 20 tuổi chết sớm hơn những người không bị mập phì từ lúc 20 tuổi, trung bình là 8 năm (8 năm chết sớm hơn).

Esther Zimmermann, PhD, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng, cách tốt nhất là tránh bị béo phì ngay từ trẻ, vì đại đa số các trường hợp, những người này sẽ tiếp tục mập phì suốt cuộc đời họ. Trong nghiên cứu này, hơn 70% những người đã bị mập phì từ lúc 20 tuổi, tiếp tục như vậy. Trong khi đó, chỉ có 4% những người không mập phì từ lúc 20 tuổi trở nên mập phì sau này (theo dõi đến lúc 35 và 46 tuổi). Theo Viện nghiên cứu sức khỏe Hoa Kỳ (National institutes of health in Bethesda, MD), hơn hai phần ba người Mỹ từ 20 tuổi trở lên, bị hoặc là quá cân, hoặc là mập phì.

Còn ở phụ nữ thì sao? Chỉ số cân nặng, đặc biệt là ở những phụ nữ rất mập, có liên quan chặt chẽ với ung thư tử cung. Đó là kết quả của một báo cáo từ các nhà nghiên cứu Na Uy, được đăng trên tập san chuyên về ung thư “British journal of cancer”, số tháng 8/2009.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát số liệu từ 36.755 phụ nữ bị ung thư tử cung, trong vòng trung bình 17,8 năm. Kết quả cho thấy, so với chỉ số cân nặng từ 20 đến 24, những phụ nữ có chỉ số cân nặng từ 40 trở lên, có nguy cơ bị ung thư tử cung nói chung, cao gấp 6,7 lần, nguy cơ ung thư nội mạc tử cung (endometrial cancer) cao gấp 8,3 lần, và ung thư tuyến màng trong tử cung (endometrioid adenocarcinomas) cao gấp 11,1 lần.

Chỉ số cân nặng (Body Mass Index-BMI) tính bằng kí lô gram chia cho mét vuông: ký lô gram cân nặng, chia cho bình phương của chiều cao tính bằng mét. Một cách lý tưởng, chỉ số cân nặng (tính bằng cách trên) nên ở khoảng từ 18 đến 25.

Theo các thống kê mới được công bố gần đây (government, academic and research institute reports), mập phì đang trở thành một dịch bệnh nguy hiểm và tốn kém ở Hoa Kỳ.

Con số tử vong do những bệnh tật có liên quan đến mập phì là khoảng một trăm ngàn mỗi năm.

Nếu không có gì thay đổi để đối phó với cơn dịch này, trong vòng sáu năm tới, 40 phần trăm người lớn ở Hoa Kỳ sẽ bị mập phì.

66% người Mỹ bị quá cân hoặc mập phì. Tỷ lệ bị mập phì trong dân số đã tăng gấp đôi ở người lớn trong thế hệ vừa rồi, và tăng gấp tư ở trẻ em. Chi phí y tế ở Mỹ cho các vấn đề có liên quan đến béo phì trong năm 2008 là 147 tỷ đô la Mỹ.

Cách ngăn ngừa mập phì hiệu quả nhất là thay đổi lối sống lành mạnh, bằng cách kết hợp thể dục vừa phải, thích hợp với ăn uống lành mạnh.

Nói về thể dục, thể thao: theo một số thống kê, ở Hoa Kỳ, việc thiếu vận động thể lực có thể dẫn đến ít nhất là 250.000 (một phần tư triệu) tử vong hàng năm. Mặc dù là các hướng dẫn cấp quốc gia ở Mỹ khuyến cáo việc vận động thể lực từ vừa đến mạnh ít nhất là 30 phút mỗi ngày, ít nhất là 5 ngày mỗi tuần, hiện nay, đại đa số người Mỹ chưa đạt được mục tiêu này.

Vận động thể lực vừa là vận động tương đương với việc đi bộ nhanh. Ví dụ như đi bộ xuống thang lầu, làm vườn, làm việc nhà, tập dưỡng sinh (tai chi), sửa xe.

Vận động thể lực mạnh là vận động tương đương với việc chạy bộ. Ví dụ như đi bộ lên thang lầu, chơi quần vợt, đá banh, bóng rổ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, hoạt động thể lực vừa phải và thường xuyên, đều đặn có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần, góp phần cải thiện các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cao mỡ trong máu.

Hoạt động thể lực cũng giúp phòng loãng xương, tăng cường sinh lực, hoạt động tính dục; ở người lớn tuổi, nó góp phần duy trì được khả năng vận động, giảm sự tàn phế, giúp giảm nguy cơ bị té ngã.

Hiện nay các hội y khoa, sức khỏe lớn nhất của Hoa Kỳ đều đồng ý với khuyến cáo mọi người vận động thể lực, tập thể dục vừa hay mạnh ít nhất 5 ngày mỗi tuần, 30 phút mỗi ngày. Kể tên một số trong các tổ chức này: các trung tâm phòng và kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (CDC – The centers for disease control and prevention), Hội y học thể thao Hoa Kỳ (American college of sports medicine), Hội các bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ (U.S. surgeon general), Hội y khoa phòng ngừa Hoa Kỳ (American college of preventive medicine).

Các nguyên tắc chính trong việc vận động thể lực, tập thể dục được nêu ra trong bảng đúc kết nói trên là:

* Hoạt động càng nhiều càng tốt (miễn là vừa sức).

* Tập đều đặn quan trọng hơn là cường độ tập.

* Vận động thể lực có thể chia ra nhiều lần, mỗi lần khoảng mười phút nếu ta không đủ sức, hoặc không có đủ thì giờ để tập ngay một lúc 30 phút.

* Các hoạt động thể lực liên quan đến công việc thường ngày của mỗi người thường dễ được tiếp tục lâu dài hơn là các hoạt động “có bài bản” (như đến các trung tâm thể dục thể thao, các phòng tập thể hình, các câu lạc bộ dưỡng sinh, khí công, yoga…, dù rằng nếu làm được điều này đều đặn thì quá tốt).

Ví dụ của một số hoạt động thường ngày có thể tận dụng cho việc vận động thể lực là đậu xe xa một chút để đi bộ, đi bộ đến các tiệm gần nhà thay vì lái xe, đi bộ lên xuống lầu thay vì dùng thang máy, đẩy máy cắt cỏ thay vì dùng xe cắt cỏ, hút bụi thường xuyên trong nhà, ngồi đạp xe đạp hoặc đi bộ trên máy trong lúc coi tivi (thay vì ngồi, nằm coi tivi)…

Còn về dinh dưỡng, chúng ta sẽ nhắc lại trong một kỳ khác.

BS. NGUYỄN TRẦN HOÀNG
(Chuyên khoa nội thương)

Recommended For You